Quốc tế
Thổ Nhĩ Kỳ làm khó EU
Thổ Nhĩ Kỳ muốn Liên minh châu Âu (EU) hoặc miễn thị thực nhập cảnh cho công dân Thổ, hoặc Ankara sẽ hủy thỏa thuận đã ký về việc ngăn chặn dòng người di cư. “Tối hậu thư” này đang làm khó EU.
Nếu không có sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ, Liên minh châu Âu sẽ khó ngăn dòng người di cư đổ vào “lục địa già” này. Ảnh: DW |
Hãng Reuters cho biết, phát biểu với báo Bild của Đức, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định, EU nên thực hiện cam kết miễn thị thực nhập cảnh cho người Thổ từ tháng 10 tới, nếu không, Ankara sẽ hủy thỏa thuận đã ký với liên minh này hồi tháng 3 vừa qua về việc ngăn chặn dòng người di cư.
Khi được hỏi về việc hàng trăm ngàn người tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đổ về châu Âu nếu EU không miễn thị thực nhập cảnh cho người Thổ từ tháng 10, ông Cavusoglu cho hay, ông không muốn đề cập một kịch bản xấu nhất. “Các cuộc đàm phán với EU đang tiếp tục nhưng rõ ràng chúng tôi hoặc áp dụng tất cả điều khoản, hoặc chúng tôi loại họ (EU) sang một bên”, nhà ngoại giao này nói.
Việc miễn thị thực cho công dân Thổ sang EU là “sự tưởng thưởng chính” dành cho sự hợp tác của Ankara trong việc ngăn chặn dòng người di cư đổ sang châu Âu. Đây cũng là một trong những điều kiện chủ yếu để Thổ “bắt tay” với EU trong một thỏa thuận hồi tháng 3 vừa qua. Song, việc miễn thị thực bị trì hoãn do những tranh cãi về luật chống khủng bố của Thổ và việc Ankara trấn áp mạnh tay sau cuộc đảo chính bất thành.
Trước khi đồng ý miễn thị thực cho người Thổ, Brussels muốn Ankara “mềm hóa” luật chống khủng bố. Cao ủy châu Âu Guenther Oettinger nói rằng, ông sẽ không chứng kiến được việc EU miễn thị thực trong năm nay do chiến dịch thanh trừng trên quy mô lớn sau đảo chính của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Ngoại trưởng Cavusoglu nhấn mạnh: “Chúng tôi không thể thực hiện mọi điều tốt đẹp cho EU nhưng đổi lại Thổ Nhĩ Kỳ không nhận được điều gì”.
Tuần trước, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại EU Selim Yenel cho biết, Ankara tiếp tục nỗ lực tìm kiếm sự thỏa hiệp với EU trong vấn đề miễn thị thực. Ông Yenel cũng lạc quan cho rằng, điều này có thể đạt được trong năm 2016.
Thổ Nhĩ Kỳ được xem là “cửa ngõ” để dòng người tị nạn vào châu Âu. Nếu không có sự trợ giúp của Thổ, EU sẽ gặp khó trong việc giải quyết bài toán nhập cư. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte từng lên tiếng kêu gọi phải đạt được thỏa thuận với Thổ bởi “không còn lựa chọn nào khác”.
Trong một diễn biến liên quan, Reuters dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng, ông sẽ phê chuẩn việc khôi phục án tử hình nếu được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, động thái này được cho là xua tan hy vọng Ankara sẽ trở thành thành viên EU. Thổ Nhĩ Kỳ đã bỏ án tử hình vào năm 2004 như biện pháp để thúc đẩy khả năng trở thành thành viên EU. Song, sau vụ đảo chính bất thành vào đêm 15-7 và ngày 16-7 vừa qua, Tổng thống Erdogan tuyên bố sẽ khôi phục án tử hình. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tuyên bố nếu Thổ tái áp dụng án tử hình đối với các đối tượng bị nước này bắt giữ sau vụ đảo chính thì sẽ không có việc Ankara gia nhập EU dù là dài hạn hay ngắn hạn; hơn nữa, mọi đàm phán về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU sẽ bị đình chỉ ngay lập tức.
Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với EU thời gian gần đây trở nên “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Ankara hoài nghi một số nước phương Tây, trong đó có các nước EU, liên quan vụ đảo chính bất thành vừa qua. Sau vụ việc đó, ngoại trừ Tổng thống Nga Vladimir Putin, không có nhà lãnh đạo châu Âu nào bày tỏ chia sẻ với Thổ.
Khi được hỏi về việc Thổ Nhĩ Kỳ có đơn phương rời Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hay không, Ngoại trưởng Cavusoglu cho hay, Ankara là một trong những nước ủng hộ lớn nhất đối với liên minh quốc phòng gồm 28 thành viên. Vị quan chức này bác bỏ những đồn đoán, Thổ có thể rời NATO và cho rằng, ý tưởng này xuất phát từ lực lượng chống Thổ, chứ không phải chủ ý của Ankara. Ông Cavusoglu cũng khẳng định, Ankara cần hợp tác quốc phòng với các nước bên ngoài NATO vì một số đối tác phương Tây không sẵn lòng trao đổi thông tin.
PHÚC NGUYÊN