.

Biển Đông chiếm lĩnh đối thoại Mỹ - Trung

.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đề cập với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh cam kết của Washington trong việc bảo vệ an ninh đối với các đồng minh khu vực.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thành phố Hàng Châu. 						                   Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Barack Obama (trái) gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thành phố Hàng Châu. Ảnh: AP

Hãng Reuters cho biết, Tổng thống Barack Obama đã có cuộc trao đổi kéo dài 4 tiếng đồng hồ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao của nước này trước thềm hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) khai mạc ngày 4-9 ở thành phố Hàng Châu. Theo đó, ông chủ Nhà Trắng gia tăng sức ép lên Trung Quốc, thúc giục cường quốc châu Á này tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý đối với hiệp ước hàng hải quốc tế nhằm duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Trung Quốc đã tham gia ký kết Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Mỹ xem văn bản này là điều quan trọng để duy trì trật tự quốc tế.

Căng thẳng xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng được cho là sẽ phủ bóng lên hội nghị thượng đỉnh G20. Trung Quốc muốn bảo đảm hội nghị diễn ra suôn sẻ, bởi đây là dịp đặc biệt để Bắc Kinh nâng cao vị thế của mình, đồng thời xoa dịu căng thẳng với Washington.

Với 5 tháng còn lại của nhiệm kỳ, Tổng thống Obama muốn thúc đẩy chính sách “xoay trục” về châu Á - Thái Bình Dương, tạo “di sản” cho người kế nhiệm sẽ được bầu chọn vào tháng 11 tới và nắm quyền vào ngày 20-1-2017. Vì vậy, ông Obama muốn phát triển mối quan hệ thân thiết hơn với các nước ở Đông Nam Á. Việc dừng chân ở Hàng Châu và hiện diện ở Lào trong tuần này đánh dấu chuyến công du châu Á lần cuối cùng của ông trên cương vị Tổng thống Mỹ; theo đó, ông chủ Nhà Trắng muốn trấn an các đồng minh khu vực về sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc.

Trong một tuyên bố được đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng, nước ông sẽ tiếp tục bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải trên Biển Đông. Trung Quốc vốn ngang nhiên phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) có trụ sở ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Obama, Chủ tịch Tập Cận Bình có những phát biểu tiền hậu bất nhất rằng, Trung Quốc sẽ “giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình thông qua việc tham vấn với các bên có liên quan trực tiếp”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc thúc giục Mỹ “đóng vai trò xây dựng” đối với hòa bình sự ổn định ở khu vực.

Trong tuyên bố sau cuộc gặp, Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Obama nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc bảo đảm an ninh cho các đồng minh hiệp ước. “Tổng thống tái khẳng định, Mỹ sẽ hợp tác với tất cả các nước trong khu vực để duy trì các quy định của luật pháp quốc tế, bảo đảm không cản trở hoạt động thương mại hợp pháp và tự do hàng hải, hàng không”, Nhà Trắng nêu rõ.

Trả lời phỏng vấn đài CNN phát sóng ngày 4-9, ông Obama kêu gọi Trung Quốc tránh phô trương sức mạnh trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Ông bày tỏ sự ủng hộ một Trung Quốc “trỗi dậy hòa bình” nhưng Bắc Kinh cũng cần hiểu rằng, “sức mạnh càng lớn, trách nhiệm càng cao”. Theo đó, vị Tổng thống Mỹ nhấn mạnh quan điểm Bắc Kinh phải tuân thủ luật pháp và các thông lệ quốc tế để góp phần duy trì trật tự quốc tế bền vững.

Sau khi hội nghị thượng đỉnh G20 khép lại vào ngày 5-9, Tổng thống Obama sẽ đến Lào để tham dự hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) khai mạc vào ngày 4-9 ở thành phố Hàng Châu, miền đông Trung Quốc. Với chủ đề “Hướng tới một nền kinh tế thế giới đổi mới, năng động, liên kết và tổng thể”, hội nghị đề cập 4 vấn đề lớn: phát triển phương thức tăng trưởng sáng tạo; quản trị tài chính kinh tế toàn cầu; thương mại và đầu tư quốc tế mạnh mẽ, năng động; kết nối có hiệu quả cao hơn.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi nhưng đối mặt với nhiều thách thức về tài chính và thương mại.

Hãng Reuters cho biết, ngày 4-9, Philippines bày tỏ lo ngại và yêu cầu lời giải thích từ phía đại sứ Trung Quốc về những gì mà Manila cho là sự gia tăng số lượng tàu Trung Quốc ở gần bãi cạn Scarborough đang tranh chấp giữa hai nước trên Biển Đông.

Trong thông điệp gửi đến báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói rằng, có 4 tàu tuần duyên và 6 tàu khác của Trung Quốc xung quanh bãi Scarborough.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila chưa có bình luận nào về vụ việc này. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte muốn Trung Quốc tuân theo phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) có trụ sở tại The Hague (Hà Lan) và ông cam kết không đề cập vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Lào.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.