Thượng viện Mỹ dự kiến bác bỏ quyền phủ quyết của Tổng thống Barack Obama đối với dự luật cho phép gia đình và thân nhân các nạn nhân vụ khủng bố 11-9-2001 kiện Saudia Arabia.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phủ quyết dự luật cho phép các gia đình nạn nhân vụ 11-9-2001 kiện Saudi Arabia. Ảnh: AP |
Dự luật 11-9 có tên gọi đầy đủ là dự luật “Công lý chống hành động bảo trợ khủng bố (JASTA), được Thượng viện Mỹ thông qua hồi tháng 5 và Hạ viện phê chuẩn ngày 9-9 vừa qua. Dự luật cho phép những người sống sót và gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 kiện các chính phủ nước ngoài tại tòa án liên bang Mỹ, đồng thời đòi bồi thường nếu những chính phủ đó bị chứng minh phải chịu trách nhiệm trong các cuộc tấn công vốn làm gần 3.000 người chết. Nếu chính thức thành luật, JASTA sẽ xóa bỏ quyền miễn trừ tư pháp quốc gia cũng như việc cấm kiện chính phủ hay các quốc gia bị nghi liên quan đến các vụ tấn công khủng bố tại Mỹ.
Dự luật gây rất nhiều tranh cãi. Các nhà lập pháp Mỹ ở cả Thượng viện lẫn Hạ viện đều ủng hộ dự luật nhưng Tổng thống Barack Obama đã dùng quyền phủ quyết của mình để bác bỏ vào ngày 23-9 vừa qua, bởi lo ngại JASTA sẽ gây tổn hại đến lợi ích an ninh quốc gia. Theo báo New York Times, trong thư gửi Quốc hội, ông Obama viết: Dự luật “hủy hoại những lợi ích cốt lõi của Mỹ”. “Tôi cảm thông sâu sắc với các gia đình nạn nhân vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, những người đã chịu nỗi đau thương”, ông Obama viết. Song, ông cho rằng, việc ban hành các biện pháp “sẽ không bảo vệ được người Mỹ khỏi các cuộc tấn công khủng bố và cũng không cải thiện hiệu quả các phản ứng của chúng ta đối với những vụ tấn công như thế”.
Nhà Trắng nói rằng, JASTA không những làm phức tạp thêm mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Saudi Arabia mà còn tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trên phương diện pháp lý, làm xói mòn nguyên tắc quyền miễn trừ pháp lý của một quốc gia.
Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump khẳng định ông sẽ phê chuẩn dự luật và gọi việc phủ quyết của ông Obama là “đáng xấu hổ”.
Hãng AP cho biết, một nhóm thượng nghị sĩ muốn dùng cuộc bỏ phiếu ngày 28-9 (giờ Washington) và kỳ vọng có ít nhất 2/3 số phiếu ủng hộ để vô hiệu hóa quyền phủ quyết của ông Obama. Họ không muốn phản đối biện pháp ủng hộ các gia đình nạn nhân 11-9, những người vẫn đang tìm kiếm công lý suốt 15 năm qua. “Tôi sẽ đặt cược rằng, quyền phủ quyết của ông Obama sẽ không được duy trì”, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Harry Reid nói. Nếu Hạ viện cũng có động thái tương tự Thượng viện thì JASTA sẽ chính thức thành luật. Lãnh đạo của cả hai viện, Chủ tịch Thượng viện Mitch McConnell và Chủ tịch Hạ viện Paul D. Ryan hiện đều mong muốn lật ngược được tình thế. Điều đáng nói là trong gần 2 nhiệm kỳ tổng thống, ông Obama chưa bao giờ bị Quốc hội vô hiệu hóa quyền phủ quyết.
Trong giờ phút cuối trước khi ngăn dự luật trở thành luật, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter cảnh báo, JASTA có thể hủy hoại quân đội Mỹ. Ông chủ Lầu Năm Góc bày tỏ sự cảm thông với việc ủng hộ các gia đình nạn nhân vụ 11-9 nhưng cho rằng, dự luật có thể dẫn đến việc công khai những bí mật của Mỹ và thậm chí làm suy giảm những nỗ lực chống khủng bố bằng cách làm mất niềm tin giữa những đối tác của Mỹ và các đồng minh.
Trong số 19 kẻ không tặc tham gia cướp máy bay để tấn công Trung tâm Thương mại thế giới ở New York, Lầu Năm Góc và Pennsylvania, có 15 tên là công dân Saudi Arabia. Song, Chính phủ Saudi Arabia đã phủ nhận liên quan vụ việc này, đồng thời nhiều lần vận động hành lang phản đối JASTA.
PHÚC NGUYÊN