Hôm nay, 4-9, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) lần thứ 11 sẽ diễn ra tại Hàng Châu, Trung Quốc. Kéo dài trong hai ngày, hội nghị lần này được cho là cơ hội để thúc đẩy sự phục hồi mong manh của nền kinh tế toàn cầu sau khủng hoảng tài chính và cũng là cơ hội để các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận những vấn đề quan tâm.
Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra tại Hàng Châu (Trung Quốc) trong hai ngày 4 và 5-9. |
Hội nghị G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn phải đối mặt với sự phục hồi không chắc chắn khi nhiều cảnh báo về hạ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế được đưa ra. Trong năm 2015, số người thất nghiệp là 197 triệu người, nhiều hơn 27 triệu người so với thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2008. Con số thống kê từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cho rằng, tốc độ tăng trưởng toàn cầu hiện ở mức 3,1%, thấp hơn mức trung bình 5% trong 5 năm trước khủng hoảng tài chính năm 2008. Mặt khác, tốc độ phát triển chậm tại một số nền kinh tế đầu tàu đã ảnh hưởng đến sự phục hồi kinh tế thế giới. Chưa kể những diễn biến gần đây như, việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) cũng có thể gây mất ổn định nền kinh tế toàn cầu.
Với chủ đề “Hướng tới một nền kinh tế thế giới đổi mới, năng động, liên kết và tổng thể”, Trung Quốc - Chủ tịch G20 năm nay - hy vọng hội nghị có thể đưa nhóm này trở thành đầu tàu, phá tan những khó khăn và thách thức mà kinh tế thế giới đang phải đối mặt để chuyển hướng sang “tăng trưởng mạnh mẽ, bền vững và đồng đều”. Điều này đặc biệt quan trọng, vì các nước G20 chiếm khoảng 80% thương mại toàn cầu. 8 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, nền kinh tế và thương mại toàn cầu chưa có dấu hiệu rõ ràng về một sự hồi sinh. G20 có thể đóng vai trò lãnh đạo quan trọng, nhằm giúp tìm ra chìa khóa cho những bất đồng thương mại.
Theo đó, bốn vấn đề lớn sẽ được các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới tập trung thảo luận, gồm: Phát triển phương thức tăng trưởng sáng tạo; quản trị tài chính kinh tế toàn cầu; thương mại và đầu tư quốc tế mạnh mẽ, năng động và kết nối có hiệu quả cao hơn. Tại Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G20 tổ chức tại Thượng Hải (Trung Quốc) hồi đầu tháng 7, các thành viên G20 đã thông qua chiến lược cho sự tăng trưởng thương mại toàn cầu, ước tính giúp tăng khối lượng luân chuyển hàng hóa toàn cầu 1 tỷ USD/năm và tạo 21 triệu việc làm mới trên toàn thế giới. Vì vậy, theo các chuyên gia, Hội nghị G20 lần này có thể sẽ đưa ra những tuyên bố chung như: Tăng cường hợp tác pháp lý về thuế, các biện pháp cứng rắn hơn chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại cũng như kiểm soát tiền tệ...
Dù chương trình nghị sự của G20 năm nay chủ yếu tập trung vào vấn đề kinh tế, nhưng giới quan sát cho rằng, hội nghị lần này cũng có thể bị phủ bóng bởi các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt liên quan đến hoạt động của Trung Quốc gần đây tại Biển Đông, biển Hoa Đông. Cuối tháng 8 vừa qua, Mỹ, Indonesia và Nhật Bản tuyên bố sẽ chính thức nêu vấn đề Biển Đông tại Hội nghị G20 lần này. Cụ thể, các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ thảo luận về phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) đưa ra hôm 12-7, theo đó bác bỏ "đường 9 đoạn" phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Các nước sẽ nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc các quốc gia liên quan đến tranh chấp phải làm rõ yêu sách của mình dựa trên luật pháp quốc tế, đồng thời nêu quan ngại về diễn biến hiện nay trên biển.
Nhiều nước cũng sẽ nêu rõ tầm quan trọng của việc tôn trọng trật tự trên biển dựa trên luật lệ ở Châu Á - Thái Bình Dương, kêu gọi các nước tôn trọng tự do hàng hải và hàng không. Các bên tranh chấp ở Biển Đông cần tìm kiếm con đường giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Những nội dung này từng được một số thành viên chủ chốt của G20 như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Đức, Italia và Canada nêu rõ trong tuyên bố sau cuộc họp của nhóm G7 tại Nhật Bản hồi tháng 5. Lãnh đạo 7 cường quốc thế giới đã bày tỏ quan ngại về căng thẳng ở Biển Đông và kêu gọi các bên liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Các nhà phân tích cũng nhận định, cho đến nay chưa có nước nào thuộc G20 ủng hộ Trung Quốc khi Bắc Kinh phủ nhận phán quyết của Tòa trọng tài.
Thế nên, các chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu bao trùm những nội dung rộng lớn và được mong đợi sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể, gửi đi những thông điệp mạnh mẽ, định hướng cho sự phát triển kinh tế toàn cầu cũng như bảo đảm an ninh, hòa bình trên thế giới.
Theo Hà nội mới