.

Khủng hoảng ở Syria: Ngừng bắn mở đường cho viện trợ nhân đạo

.

Đặc sứ Liên Hợp Quốc tại Syria, ông Staffan de Mistura, thúc giục chính phủ Damascus cho phép ngay lập tức đưa viện trợ nhân đạo vào quốc gia Trung Đông này, sau khi lệnh ngừng bắn mong manh được kéo dài thêm 48 giờ.

Viện trợ của một tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ được đưa vào khu vực do phiến quân chiếm giữ ở ngoại ô Damascus. 						                                      Ảnh: AFP
Viện trợ của một tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ được đưa vào khu vực do phiến quân chiếm giữ ở ngoại ô Damascus. Ảnh: AFP

Phát biểu với báo giới tại Geneva (Thụy Sĩ), ông Staffan de Mistura nói rằng, Nga - đồng minh then chốt của chính phủ Syria - đã thống nhất về thời điểm quan trọng triển khai các đoàn xe viện trợ, một phần chính của thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 12-9. Theo ông Mistura, việc đưa viện trợ vào Syria gặp phải “vấn đề” và cần được “thực hiện ngay lập tức”. Nhà ngoại giao này nhấn mạnh rằng, không muốn để “những ngày giảm bạo lực bị lãng phí khi không có bước tiến nào” trong việc phân phát viện trợ.

Sau phát biểu của ông Mistura, người đứng đầu lực lượng làm nhiệm vụ nhân đạo của Liên Hợp Quốc tại Syria Jan Egeland cho biết, các xe tải chở đầy hàng cứu trợ đã sẵn sàng chuyển bánh. Song, cả hai vị quan chức ngoại giao hàng đầu của Liên Hợp Quốc đều bày tỏ quan ngại về tình hình ở thành phố Aleppo, hiện do lực lượng nổi dậy chiếm giữ, bởi nơi đây không nhận được viện trợ kể từ khi chính phủ phong tỏa đường Castello hồi đầu tháng 7 vừa qua. Đây là tuyến đường chính duy nhất còn lại của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sử dụng để vận chuyển lương thực, vũ khí từ phía tỉnh Aleppo đến thành phố này. Aleppo là thành phố lớn thứ hai của Syria và trở thành chiến trường chính trong cuộc xung đột kéo dài 5,5 năm qua.

Ông Mistura cũng nói rằng, thỏa thuận giữa Nga và Mỹ về việc ngừng bắn ở Syria bao gồm điều khoản: chính phủ Damascus không kiểm tra hàng viện trợ tiến vào phía đông Aleppo trên tuyến đường Castello. Theo đó, đoàn xe đã được niêm phong sẽ không bị “quấy rầy” hoặc “kiểm tra”. Ước tính có khoảng 250.000 dân thường cần được viện trợ do sự bao vây của lực lượng chính phủ ở phía đông Aleppo.

Lệnh ngừng bắn đã được Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov nhất trí kéo dài thêm 48 giờ để cho phép tăng cường hỗ trợ nhân đạo. Tuy nhiên, trong một dấu hiệu làm gia tăng căng thẳng giữa hai cường quốc, vốn ủng hộ hai lực lượng đối lập nhau trong cuộc xung đột ở Syria, Nga cáo buộc Mỹ không đáp ứng các nghĩa vụ theo thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 12-9. Mátxcơva, đồng minh then chốt của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cũng cáo buộc phiến quân vi phạm thỏa thuận 60 lần.

Trong khi đó, với 40 xe tải chở lương thực cung cấp cho 80.000 người chờ ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Hợp Quốc cảnh báo thời gian để phân phát viện trợ cần thiết sắp hết. Đến tối 14-9, Mỹ nói rằng, ông Kerry và ông Lavrov đã trao đổi, thống nhất kéo dài thỏa thuận ngừng bắn.

Lệnh ngừng bắn đã được đưa ra sau các cuộc đàm phán marathon giữa Nga và Mỹ tại Geneva hồi tuần trước. Đây là một phần của nỗ lực nhằm kết thúc cuộc xung đột vốn đã làm hơn 300.000 người chết ở Syria. Thỏa thuận này cũng nhằm ngừng giao tranh giữa lực lượng của Tổng thống Assad với phiến quân nhưng không bao gồm các chiến binh thánh chiến như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Hãng AFP cho hay, với lệnh ngừng bắn được gia hạn thêm 48 giờ và nếu thỏa thuận này được duy trì trong một tuần, Nga cùng Mỹ sẽ bắt đầu nhằm vào mục tiêu chung chưa từng có: các chiến binh thánh chiến như IS và Mặt trận Fateh al-Sham (từng là chi nhánh của Al-Qaeda). Hơn nữa, nếu thỏa thuận được giữ vững thì có thể mở cánh cửa cho các cuộc đàm phán hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột. Theo đó, Nga nói rằng, đặc sứ Liên Hợp Quốc có thể mời các đại diện của chính phủ Syria và lực lượng đối lập tham gia đàm phán từ đầu tháng 10 tới.

Tuy nhiên, hiện vẫn có những hoài nghi sâu sắc về việc duy trì lệnh ngừng bắn này.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.