.

Mỹ - Nga tìm thỏa thuận ngừng bắn ở Syria

.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin không đạt được sự đột phá nào trong việc tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn ở Syria. Song, hai nhà lãnh đạo thống nhất tiếp tục thúc đẩy viện trợ nhân đạo cho hàng ngàn dân thường ở quốc gia đang rơi vào nội chiến.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin (trái) gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu (Trung Quốc). 					Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Vladimir Putin (trái) gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu (Trung Quốc). Ảnh: AP

Sau khoảng 90 phút gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) ngày 5-9, một cuộc gặp kéo dài hơn dự kiến, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu các nhà ngoại giao hàng đầu của hai nước nhanh chóng trở lại bàn đàm phán, có thể vào cuối tuần này.

Theo AP, Mỹ muốn thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn ở Syria nhưng Washington thận trọng vì biết rằng, thỏa thuận có thể không mang lại hiệu quả, như đã từng thất bại trước đó vì sự vi phạm của các bên liên quan. Thỏa thuận bao gồm lệnh ngừng bắn trong 48 giờ, mở cửa tiếp cận nhân đạo cho Liên Hợp Quốc và ngừng các chuyến bay của không quân Syria tại một số khu vực. Thành ra, cuộc gặp giữa Tổng thống Obama và người đồng cấp Putin “mang tính xây dựng” để thúc đẩy viện trợ nhân đạo, giảm bạo lực và hợp tác chống các nhóm chiến binh ở Syria. Reuters cho hay, việc làm rõ “những khoảng trống còn lại” sẽ do Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đảm nhận.

Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi trước đó cũng vào ngày 5-9, ông Kerry và ông Lavrov không đạt được thỏa thuận nhằm giảm giao tranh ở Syria, đồng thời khẳng định vẫn còn nhiều bất đồng giữa hai nước. Hai ông đã trải qua nhiều tuần bàn thảo tìm sự đột phá để giảm bạo lực giữa chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad với các chiến binh ôn hòa - lực lượng được Mỹ hậu thuẫn. Thỏa thuận phụ thuộc vào việc hai phía thống nhất hợp tác quân sự chặt chẽ hơn nhằm chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan đang hoạt động ở Syria - điều mà Nga đang mong muốn, còn Mỹ bác bỏ.

Nga khẳng định nước này không thể chấp nhận thỏa thuận trừ khi các tay súng đối lập, vốn được sự hậu thuẫn của Mỹ và các đồng minh Trung Đông, tách khỏi các chiến binh có liên quan Al-Qaeda. Washington và Mátxcơva ủng hộ các bên đối lập nhau trong cuộc xung đột kéo dài 5,5 năm ở Syria, vốn đã làm khoảng 300.000 người chết và hàng triệu người bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Đây là lần thứ hai vòng đàm phán giữa ông Kerry và ông Lavrov kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào. Cuộc đàm phán đầu tiên tại Geneva (Thụy Sĩ) giữa Mỹ và Nga ngày 26-8 vừa qua cũng không có kết quả. Ông Kerry nói rằng, Mỹ sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa thuận nào nếu nó tiếp tục thất bại.

Trong khi đó, AP cho biết, Tổng thống Obama bày tỏ hoài nghi việc Nga đồng ý với thỏa thuận. Ngày 4-9, ông chủ Nhà Trắng cảnh báo, Mỹ bước vào đàm phán với “một số nghi ngại”. Thất bại trong việc tìm kiếm thỏa thuận lần này dường như sẽ gây áp lực cho Tổng thống Obama trong những tháng cuối nhiệm kỳ xung quanh cách giải quyết của ông đối với cuộc chiến ở Syria. Khi nhậm chức, ông Obama cam kết không lặp lại những sai lầm của người tiền nhiệm G.W. Bush trong các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Song, khi ông chuẩn bị rời nhiệm sở, những người chỉ trích cho rằng, thất bại của Tổng thống Obama khi can thiệp vào tình hình Syria mang lại sự đổ máu tương tự vì dẫn đến cuộc xung đột kéo dài dai dẳng trong nhiều năm.

Ngày 5-9, hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) khép lại với Tuyên bố chung. Theo đó, các nhà lãnh đạo đánh giá tăng trưởng toàn cầu vẫn dưới mức kỳ vọng và tiềm ẩn những rủi ro.

Hội nghị xác định đường hướng, mục tiêu phát triển, biện pháp hợp tác của G20; đồng thời thông qua gói các chính sách và hành động mang tên “Đồng thuận Hàng Châu” nhằm tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế thế giới thông qua các biện pháp tổng thể, sáng tạo, mở, toàn diện và dài hạn.

Các nhà lãnh đạo G20 cũng cam kết giải quyết hàng loạt vấn đề đang đặt ra, trong đó có những hệ lụy từ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) hay việc đối phó với các hình thức tài trợ khủng bố...

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.