.

Nước Mỹ trước thềm bầu cử tổng thống: Ứng cử viên "ăn miếng, trả miếng"

.

Cả hai ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, bà Hillary Clinton và ông Donald Trump, đều liên tục có những phát biểu “ăn miếng, trả miếng”. Ai cũng muốn chứng tỏ đối thủ của mình không những sai lầm trong chính sách an ninh quốc gia mà thậm chí còn có những lời lẽ hoặc việc làm vô tình hoặc cố ý cổ súy cho chủ nghĩa khủng bố.

Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton đang chuẩn bị cuộc tranh luận đầu tiên dự kiến diễn ra vào ngày 25-9 tới.			                          					  Ảnh: Reuters
Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton đang chuẩn bị cuộc tranh luận đầu tiên dự kiến diễn ra vào ngày 25-9 tới. Ảnh: Reuters

Các cuộc tấn công liên tiếp xảy ra ở nước Mỹ dù không khiến ai thiệt mạng nhưng làm xoay chuyển tình thế, định hình lại cuộc tranh cử tổng thống trở về những vấn đề lớn liên quan an ninh quốc gia sau nhiều tuần ồn ào với những vấn đề cá nhân như: cá tính, sự minh bạch, sức khỏe của bà Hillary và ông Trump.

Với bà Hillary và ông Trump, các cuộc đánh bom hồi cuối tuần qua tại New York và New Jersey đều là vấn đề có tính thay đổi trọng yếu trong chiến lược tranh cử. Trong bối cảnh chỉ còn 7 tuần nữa sẽ đến ngày “lâm trận” chính thức, việc các ứng cử viên phản ứng như thế nào trước những âm mưu tấn công khủng bố có thật trên đất Mỹ sẽ làm thay đổi đáng kể cách nhìn của cử tri về không chỉ các ứng cử viên mà còn cả đảng phái mà họ đại diện. Tình trạng bạo lực cuối tuần qua sẽ trở thành nội dung chính trong cuộc tranh luận đầu tiên giữa bà Hillary và ông Trump dự kiến diễn ra vào ngày 25-9 tại Đại học Hofstra ở Long Island.

Do đó, có thể thấy, cả hai ứng cử viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều đang nỗ lực tìm mọi luận cứ mạnh mẽ nhất để chứng tỏ đối thủ của họ không những sai lầm trong chính sách an ninh quốc gia mà thậm chí còn có những lời lẽ hoặc việc làm vô tình hoặc cố ý cổ súy cho chủ nghĩa khủng bố.

Chưa bao giờ người ta thấy bà Hillary tỏ ra quyết tâm như vậy trong việc tận dụng lợi thế trong cuộc tranh luận này. Không giống hầu hết các ứng cử viên khác của đảng Dân chủ, bà có lợi thế hơn hẳn đối thủ đảng Cộng hòa trong các vấn đề an ninh quốc gia và chính sách ngoại giao.

Trước khi đến Philadelphia để tiếp xúc với các cử tri trẻ, bà Hillary tổ chức họp báo kêu gọi mọi người hãy “dũng cảm và cảnh giác” trong bối cảnh đối mặt với chủ nghĩa khủng bố. Bà cảnh báo, ông Trump hoàn toàn không có sự chuẩn bị gì để bảo vệ an toàn cho nước Mỹ.

Dẫn ý kiến của các cựu quan chức chống khủng bố và tình báo từng chỉ trích những bình luận kích động của ông Trump về Hồi giáo, bà Hillary thậm chí còn gọi ông Trump là một “trung sĩ tuyển quân” cho những kẻ khủng bố. Bà cáo buộc ông đã “hỗ trợ và an ủi” tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) với kiểu diễn thuyết hùng hồn trong chiến dịch tranh cử.

Trước đó, trong một chương trình phỏng vấn trên đài truyền hình Israel, bà Hillary cũng nói rằng, IS đang cầu nguyện để ông Trump đắc cử. Bà cũng cảnh báo việc các đối thủ nước ngoài cũng đang tìm cách thao túng kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ để ủng hộ đối thủ của bà.

Đương nhiên trước những cáo buộc này của bà Hillary, ông Trump không nói gì mới là lạ. Ngay lập tức chiến dịch tranh cử của ông đưa ra một loạt tuyên bố thể hiện sự phẫn nộ với đối thủ. Họ chỉ trích bà Hillary đã ủng hộ những chính sách nhập cư quá dễ dãi và cho rằng, đòn tấn công của bà với ông Trump có thể ví ngang với sự cáo buộc về tội phản quốc.

Tại chương trình tranh cử ở Florida tối 18-9 vừa qua, ông Trump chỉ trích bà Hillary về những thất bại trong vai trò ngoại trưởng dưới thời ông Barack Obama. Theo ông Trump, bà Hillary không thể làm gì để ngăn chặn sự trỗi dậy của IS và tiếp tục lặp lại vấn đề cần phải cải tổ hoàn toàn chính sách của chính phủ trong các vấn đề đối nội. Ông Trump nói: “Sự yếu ớt của bà ấy, sự thiếu hiệu quả của bà ấy, đã gây ra vấn đề, và giờ đây bà ấy lại muốn làm tổng thống nữa. Tôi không nghĩ thế”.

Ông Trump cho rằng, sự mong manh, dễ tổn thương của nước Mỹ trước chủ nghĩa khủng bố cũng tương ứng với chính sách lỏng lẻo của hệ thống nhập cư. Ông chủ yếu cảnh báo về nguy cơ của việc tiếp nhận những người tị nạn từ Syria và các nước khác xảy ra chiến tranh, nhưng thực tế, nghi phạm bị bắt giữ trong các vụ tấn công cuối tuần qua, tên Ahmad Khan Rahami, lại là công dân sinh ra tại Afghanistan và có nhiều năm sống ở Mỹ.

Ông Trump nói: “Những vụ tấn công này và nhiều vụ tấn công khác đã có thể xảy ra vì chính sách nhập cư cởi mở cực đoan của chúng ta”. Vị tỷ phú này cố gắng đưa cuộc tranh luận chính trị về chủ đề ông thích bàn luận hơn cả khi khẳng định: “An ninh nhập cư là an ninh quốc gia”.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.