.

Phán quyết PCA là con đường pháp lý để giải quyết vấn đề Biển Đông

.

Ngày 8-9 tại thủ đô Moskva, Hiệp hội Quốc tế các Quỹ Hòa bình đã tổ chức Hội thảo bàn tròn với chủ đề: “Biển Đông - Con đường pháp lý đi đến hòa bình và ổn định.”

Hình ảnh máy bay do thám Mỹ chụp được cho thấy Trung Quốc tăng cường bồi đắp trái phép ở Biển Đông (Nguồn: WSJ)
Hình ảnh máy bay do thám Mỹ chụp được cho thấy Trung Quốc tăng cường bồi đắp trái phép ở Biển Đông (Nguồn: WSJ)

Tham dự Hội thảo có gần 30 học giả, chuyên gia nghiên cứu đầu ngành của Nga về khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đại diện Bộ Ngoại giao, các cơ quan báo chí, truyền thông Nga.

10 bài tham luận phân tích nhiều khía cạnh trong quá trình tranh chấp trên Biển Đông từ trước tới nay cả trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, cũng như đưa ra những đánh giá, nhận xét về Phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế (PCA) hôm 12-7 vừa qua xử cho Philippines thắng kiện Trung Quốc.

Ông Grigory Lokshin - Tổng Thư ký Viện hòa bình Vienna, nhà nghiên cứu cao cấp Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga - cho biết phán quyết của PCA là sự giải thích rõ ràng nhất cho các quy định của Công ước quốc tế về Luật Biển (UNCLOS) và trở thành điều kiện tiên quyết, làm cơ sở pháp lý để các bên liên quan trong khu vực tiếp tục đối thoại và hợp tác trong thời gian tới.

Ông Lokshin chỉ ra rằng phán quyết của PCA có tính ràng buộc thực hiện, khi một quốc gia đã ký kết thỏa thuận quốc tế (UNCLOS) thì phải có nghĩa vụ tuân theo thỏa thuận đó và việc một quốc gia không thực hiện phán quyết sẽ hạ thấp uy tín của quốc gia đó trên trường quốc tế.

Về phần mình, ông Pavel Gudev - chuyên gia Trung tâm nghiên cứu Bắc Mỹ Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế mang tên Primakov (IMEMO) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga - cho rằng phán quyết của PCA đã hạ thấp quy chế các yêu sách của Trung Quốc, những yêu sách đó không dựa trên cơ sở pháp lý nào, thậm chí còn đang vi phạm hoàn toàn các chuẩn mực và quy định của luật pháp quốc tế.

Sau phán quyết này các nước có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông sẽ có thêm động lực, sức mạnh pháp lý để tiếp tục các đàm phán song phương và đa phương, con đường hợp lý duy nhất dẫn đến hòa bình và ổn định tại khu vực.

Chuyên gia này cũng đưa ra đánh giá ở góc độ luật học về tuyên bố mới đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế lớn G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc.

Tuyên bố của ông Putin không có nghĩa là Nga ủng hộ quan điểm của Trung Quốc, mà nhằm vào cách PCA đưa ra phán quyết cuối cùng trong một vụ kiện không có sự tham gia của bên bị là Bắc Kinh./.

Vietnam+

;
.
.
.
.
.