.

Quan hệ Philippines - Mỹ vẫn bền vững

.

Người phát ngôn lực lượng quân đội Philippines, Thiếu tướng Restituto Padilla khẳng định: “Quan hệ quốc phòng Philippines - Mỹ vẫn bền vững. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng khẳng định nước này không cắt đứt quan hệ với các đồng minh nhưng sẽ theo đuổi con đường riêng.

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hủy cuộc gặp với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. 							        	                      Ảnh: AP
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hủy cuộc gặp với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: AP

Phát biểu của Tổng thống Rodrigo Duterte vào ngày 12-9 rằng ông muốn toàn bộ lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang hỗ trợ quân đội Philippines chống khủng bố ở đảo miền nam Mindanao phải rút về nước được cho có thể làm mối quan hệ giữa hai đồng minh căng thẳng. Tuy nhiên, hãng Reuters ngày 13-9 cho hay, Philippines muốn bảo đảm một hiệp ước giữa Manila với Mỹ sẽ được tôn trọng và quan hệ an ninh vẫn bền vững.

Theo Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, phát biểu của Tổng thống Duterte, trong đó có những chỉ trích nhằm vào Tổng thống Mỹ Barack Obama và Đại sứ Mỹ tại Manila, cả phát biểu về việc miền nam Philippines sẽ “không bao giờ hòa bình” khi liên minh với Washington, không phải là dấu hiệu cho thấy một hiệp ước giữa hai nước sẽ bị hủy bỏ. “Tổng thống đã nói rằng, chúng tôi sẽ tôn trọng các nghĩa vụ và cam kết của hiệp ước”, ông Yasay khẳng định. Reuters còn cho rằng, những phát biểu của nhà lãnh đạo Philippines là phép thử đối với quan hệ chiến lược quan trọng của hai nước.

Ngày 13-9, Tổng thống Duterte khẳng định Philippines không cắt đứt quan hệ với các đồng minh. “Chúng ta không cắt đứt dây rốn của mình với các nước đồng minh”, ông Duterte nói. Vị Tổng thống Philippines cũng nhấn mạnh nước ông không có ý định chống lại bất kỳ quốc gia nào nhưng sẽ theo đuổi con đường riêng. Theo người phát ngôn tổng thống Ernesto Abella, phát biểu của ông Duterte là sự lý giải về chính sách ngoại giao độc lập của Manila, như nhà lãnh đạo này từng đề cập trước đó.

Tuần trước, Tổng thống Obama đã hủy cuộc gặp với ông Duterte bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN ở Lào vì những phát biểu “gây sốc” của ông này. Ngày 12-9, ông Duterte còn kêu gọi binh sĩ Mỹ rút khỏi đảo miền nam Mindanao vì sự hiện diện của họ có thể làm phức tạp thêm cuộc chiến của Philippines chống phiến quân Hồi giáo. Theo đó, ông Duterte nói rằng, lực lượng đặc biệt của Mỹ có thể trở thành mục tiêu giá trị cao cho các phiến quân Abu Sayyaf thực hiện các vụ bắt cóc và chặt đầu những người nước ngoài.

Từ năm 2002, theo thỏa thuận, Mỹ triển khai khoảng 1.300 lính đặc nhiệm ở đảo Mindanao. Khi chương trình này kết thúc vào năm 2015, Washington chỉ duy trì một lực lượng nhỏ ở nơi đây để làm nhiệm vụ hỗ trợ hậu cần và kỹ thuật.

Song, tuyên bố của quân đội Philippines ngày 13-9 nêu rõ: Các chương trình quốc phòng mở rộng hơn giữa nước này với Mỹ vẫn nguyên vẹn. “Quan hệ quốc phòng Philippines - Mỹ vẫn bền vững”, người phát ngôn lực lượng quân đội, Thiếu tướng Restituto Padilla khẳng định.

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest chia sẻ những mối quan ngại của Tổng thống Duterte nhưng bày tỏ sự không hài lòng. Không những thế, ông Earnest còn so sánh ngầm Tổng thống Philippines với tỷ phú Donald Trump, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa.

Chuyên gia về an ninh châu Á, ông Robert Manning, bình luận rằng những lời lẽ “không ngọt ngào” của Philippines không đủ để gây tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ giữa Washington với Manila. Theo ông Joseph Cheng, chuyên gia phân tích chính trị tại Đại học Hong Kong, vị Tổng thống đương nhiệm của Philippines đang muốn chứng tỏ việc giảm phụ thuộc an ninh vào Mỹ, đồng thời “đánh bóng” hình ảnh của mình.

Tuy nhiên, cũng theo các nhà phân tích, những phát biểu “gây sốc” của ông Duterte có thể đe dọa đến sự hợp tác quân sự giữa Washington với Manila, khi những người tiền nhiệm ở Philippines đều chú trọng việc tạo dựng mối quan hệ tốt đẹp với Mỹ.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.