.

Quốc hội Mỹ thách thức Tổng thống

.

Cả hai viện Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Barack Obama đối với dự luật “Công lý chống hành động bảo trợ khủng bố (JASTA)”. Đây là lần đầu tiên trong gần hai nhiệm kỳ 8 năm, Tổng thống Obama bị bác bỏ quyền phủ quyết.

Tưởng niệm các nạn nhân vụ 11-9-2001. Gần 3.000 người đã chết trong các vụ tấn công này.     Ảnh: AFP
Tưởng niệm các nạn nhân vụ 11-9-2001. Gần 3.000 người đã chết trong các vụ tấn công này. Ảnh: AFP

Động thái của Quốc hội là đòn giáng mạnh đối với Tổng thống Barack Obama, người đã vận động hành lang để chống lại JASTA - dự luật cho phép gia đình các nạn nhân vụ khủng bố 11-9-2001 kiện Saudia Arabia.

Hãng AFP cho biết, Thượng viện đã bỏ phiếu vào ngày 28-9 (sáng sớm 29-9, giờ Việt Nam) với 97 phiếu thuận và chỉ 1 phiếu chống để bác bỏ quyền phủ quyết của Tổng thống Obama. Ngay sau đó, Hạ viện bỏ phiếu với 348 phiếu thuận và 77 phiếu chống. Điều đó có nghĩa là JASTA sẽ trở thành luật.

Ông Obama gọi cuộc bỏ phiếu ngày 28-9 là “sai lầm”, là “một tiền lệ nguy hiểm” và mô tả kết quả nói trên “cơ bản là cuộc bỏ phiếu chính trị”. “Tôi hiểu vì sao điều này xảy ra. Rõ ràng tất cả chúng ta vẫn mang những vết thương của vụ 11-9”, ông nói với CNN. Song, ông chủ Nhà Trắng gọi quyết định của Quốc hội sẽ làm tổn hại đến các lợi ích quốc gia của Mỹ, bởi việc thực thi luật sẽ làm xói mòn các quy tắc miễn trừ của một quốc gia, công dân Mỹ phải đối mặt với các vụ kiện dân sự liên quan các phái bộ quân sự ở nước ngoài. Tổng thống Obama cũng cho rằng, một số nghị sĩ bỏ phiếu chống lại quyền phủ quyết của ông thật sự không biết dự luật là gì.

Trong gần 8 năm qua, ông Obama đã dùng quyền phủ quyết 12 lần và không bị lật ngược tình thế. Chỉ đến dự luật JASTA lần này thì ông thất bại. Người tiền nhiệm G.W.Bush cùng dùng quyền phủ quyết 12 lần, trong đó 4 lần bị bác bỏ.

Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest, cuộc bỏ phiếu của Thượng viện là “điều khó hiểu nhất” của cơ quan lập pháp này trong nhiều thập niên qua. Phát biểu với báo giới khi đi cùng Tổng thống Obama đến thành phố Richmond, bang Virginia, ông Earnest nói: “Cuối cùng những thượng nghị sĩ này sẽ phải trả lời với chính lương tâm của mình và cử tri về hành động hôm nay”.

Hãng AFP dẫn lời các nhà phân tích nhận định: Sự việc diễn ra khi ông Obama chỉ còn vài tháng nữa kết thúc nhiệm kỳ và điều này cho thấy Nhà Trắng đang yếu thế.

Trong một bức thư gửi tới lãnh đạo phê Dân chủ thiểu số tại Thượng viện Mỹ Harry Reid, Tổng thống Obama cảnh báo những hệ lụy nghiêm trọng đối với Lầu Năm Góc, quân nhân, các nhà ngoại giao và cơ quan tình báo. Theo đó, quân đội Mỹ, nhân viên tình báo, ngoại giao và công vụ Mỹ có thể bị khởi kiện ở nước ngoài; tài sản của chính phủ Mỹ ở nước ngoài cũng có nguy cơ bị tịch thu. Ông Obama cho rằng, JASTA sẽ “không bảo vệ được người Mỹ khỏi các cuộc tấn công khủng bố, cũng không thúc đẩy hiệu quả phản ứng của chúng ta đối với các cuộc tấn công như thế”.

Các gia đình nạn nhân vụ 11-9 đã tuần hành ủng hộ luật, cáo buộc chính phủ Saudi Arabia liên quan các vụ tấn công từng làm rung chuyển nước Mỹ và làm gần 3.000 người chết. Trong số 19 kẻ không tặc tham gia cướp máy bay để tấn công Trung tâm Thương mại thế giới ở New York, Lầu Năm Góc và Pennsylvania, có 15 tên là công dân Saudi Arabia. Song, chính phủ Saudi Arabia bác bỏ liên quan vụ việc này và nhiều lần vận động hành lang phản đối JASTA.

Theo AFP, các tài liệu được giải mật cho thấy cơ quan tình báo Mỹ đã nghi ngờ về sự liên quan của chính phủ Saudi Arabia với những kẻ tấn công. “Trong lúc ở Mỹ, một vài tên trong số những kẻ cướp máy bay ngày 11-9 đã liên hệ và được sự ủng hộ hoặc trợ giúp từ các cá nhân, những người có thể có liên hệ với chính phủ Saudi Arabia”, thông tin từ tài liệu nêu rõ.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Saudi Arabia, đồng minh lâu đời nhất của Washington ở thế giới Arab căng thẳng do quan điểm ôn hòa hơn của Tổng thống Obama đối với Iran, kẻ thù của Saudi Arabia, và việc Mỹ hồi tháng 7 vừa qua công bố báo cáo bí mật về sự liên quan của Riyadh với sự kiện 11-9.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.