.

Syria trước bạo lực và tội ác chiến tranh

.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon bày tỏ cảm giác ghê sợ trước tình hình bạo lực bùng phát ở thành phố Aleppo của Syria, đồng thời cảnh báo việc sử dụng vũ khí tiên tiến có thể dẫn đến tội ác chiến tranh.

Thành phố Aleppo là nơi xảy ra bạo lực đẫm máu trong những tháng gần đây. 		 Ảnh: AFP
Thành phố Aleppo là nơi xảy ra bạo lực đẫm máu trong những tháng gần đây. Ảnh: AFP

Những ngày qua, vấn đề Syria làm “nóng” diễn đàn của Đại hội đồng LHQ và Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ ở New York (Mỹ). Các cuộc đối thoại, đàm phán đa phương và song phương, trong đó có các cuộc trao đổi riêng rẽ giữa Nga và Mỹ, vẫn chưa thể mang lại cho Syria dấu hiệu tươi sáng. Bạo lực ở thành phố Aleppo, chiến trường đẫm máu nhất ở Syria trong những tháng gần đây, vẫn tiếp diễn, mới nhất là những vụ việc ngày 24-9 cướp đi sinh mạng của 45 thường dân. Thỏa thuận ngừng bắn đổ vỡ là điều được dự báo. Việc cứu vãn thỏa thuận được đặt ra nhưng không hy vọng có thể duy trì lệnh ngừng bắn vốn rất đỗi mong manh, làm cơ sở để tiến tới chấm dứt cuộc nội chiến đang bước vào năm thứ 6.

Theo đề nghị của Mỹ, Anh và Pháp, ngày 25-9 (giờ New York, tối 25-9 - giờ Việt Nam), HĐBA LHQ nhóm họp khẩn để bàn về chiến dịch vũ trang của quân đội Syria và lực lượng đồng minh nhằm giành lại quyền kiểm soát Aleppo. LHQ cho biết, gần 2 triệu dân thường ở Aleppo hiện sống trong tình trạng không có nước sau khi chính phủ Damascus phá hủy một trạm bơm và phiến quân đóng cửa một trạm bơm khác để trả đũa. Viện trợ, bao gồm các thiết bị y tế khẩn cấp, cũng không được đưa vào Aleppo.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon bày tỏ sự ghê sợ trước tình hình bạo lực bùng phát ở thành phố Aleppo và cảnh báo việc sử dụng các vũ khí hạng nặng tại khu vực đông dân cư có thể bị xếp vào tội ác chiến tranh. Theo ông Ban Ki-moon, thành phố Aleppo đang đối mặt với sự bắn phá liên tục và dữ dội nhất kể từ khi cuộc xung đột ở Syria bùng phát đến nay. Nhà lãnh đạo LHQ còn gọi đây là “ngày đen tối đối với cam kết của toàn cầu trong việc bảo vệ dân thường”.

Chưa rõ phát biểu của ông Ban Ki-moon có trực tiếp nhằm vào vụ tấn công đoàn xe cứu trợ của LHQ, làm 100 người chết ngày 22-9 vừa qua hay không - vụ việc mà quân đội Syria và Nga bị cáo buộc là thủ phạm. Trong khi đó, các quan chức hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) nói rằng, các vụ tấn công nhằm vào thường dân là “vi phạm luật nhân đạo quốc tế”, đồng thời kêu gọi tăng cường nỗ lực hòa bình. Thỏa thuận ngừng bắn do Nga và Mỹ làm trung gian hậu thuẫn tưởng như là tín hiệu vui cho Syria nhưng rốt cuộc đã đổ vỡ vào ngày 19-9. Washington và các cường quốc châu Âu hàng đầu cho rằng, “gánh nặng đặt trên vai Nga… trong việc cứu vãn những nỗ lực ngoại giao để chấm dứt chiến tranh”. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người đã thất bại trong việc đàm phán với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov về việc khôi phục thỏa thuận ngừng bắn, trước đó nhấn mạnh: “Những gì đang xảy ra tại Aleppo hôm nay là không thể chấp nhận. Nó đã vượt qua khỏi ranh giới”. Trong các phát biểu khi gặp ông Lavrov, ông Kerry đã dùng những từ ngữ nặng nề để nói về sự liên quan của Nga trong cuộc xung đột ở Syria. Song, Mátxcơva kiên quyết bác bỏ bất kỳ sự liên quan nào trong những cái chết của thường dân, nhất là vụ tấn công nhằm vào đoàn xe cứu trợ của LHQ.

Chính phủ Syria cũng không im lặng trước những chỉ trích từ phía Mỹ và châu Âu. Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Syria Walid al-Moualem khẳng định quân đội nước ông đang bước tiến trong “cuộc chiến chống khủng bố” và bày tỏ tin tưởng về “chiến thắng cuối cùng”. Ông Moualem cho rằng, Mỹ và đồng minh đang “đồng lõa” với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cũng như các nhóm khủng bố vũ trang khác, đồng thời lên án cuộc không kích của liên quân do Washington dẫn đầu nhằm vào các binh sĩ Syria hồi tuần trước là hành động cố ý chống lại chính phủ Damascus.

Hiện vẫn chờ động thái của các bên cho một thỏa thuận ngừng bắn mới ở Syria. Tuy nhiên, duy trì được thỏa thuận này, từ đó ngăn chặn bạo lực, xem ra vẫn là điều xa vời.  

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.