Tổng Thư ký tổ chức Ân xá quốc tế Salil Shetty cho rằng, thay vì chia sẻ trách nhiệm, các nhà lãnh đạo thế giới lẩn tránh cuộc khủng hoảng tị nạn, khiến cuộc sống của hàng triệu người tị nạn đối mặt với nhiều rủi ro.
Người di cư đến đảo Lesbos của Hy Lạp, sau khi từ Thổ Nhĩ Kỳ băng qua biển Aegea. Ảnh: AP |
Vấn đề cần làm gì cho 65,3 triệu người di cư/vô gia cư được bàn thảo tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 19-9 ở New York (Mỹ). Đây là lần đầu tiên LHQ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về tị nạn và di cư, trong lúc châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng nhập cư chưa từng có, với hàng triệu người chủ yếu đến từ các nước Trung Đông và Bắc Phi tràn vào “lục địa già” do chạy trốn chiến tranh và nghèo đói.
Hãng AP cho biết, trước tình trạng nhiều người rời bỏ nhà cửa hơn lúc nào hết kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay, các nhà lãnh đạo và ngoại giao mong muốn sẽ thông qua văn kiện kết nối 193 thành viên LHQ nhằm bảo vệ những người tị nạn và di cư. Cao ủy phụ trách tị nạn của LHQ Fillipo Grandi bày tỏ kỳ vọng về việc “giải quyết nhiều vấn đề trong những phản ứng khẩn cấp và tình hình tị nạn dài hạn như ở Syria”. Tuy nhiên, đây là điều khó khăn khi văn kiện sẽ không mang tính ràng buộc pháp lý. Hơn nữa, cuộc họp lần này diễn ra trong lúc vấn đề tị nạn và di cư đang gây chia rẽ ở châu Âu cũng như Mỹ.
Một số quốc gia đã bác bỏ dự thảo thỏa thuận trước đó về việc kêu gọi các nước tái định cư cho 10% dân tị nạn mỗi năm. Một số nước châu Âu cũng bác bỏ hạn ngạch phân bổ người nhập cư. Tổng Thư ký tổ chức Ân xá quốc tế Salil Shetty cho rằng, thay vì chia sẻ trách nhiệm, các nhà lãnh đạo thế giới lại trốn tránh, khiến cuộc sống của hàng triệu người tị nạn đối mặt với nhiều rủi ro.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon nói rằng, ông nhận biết những chỉ trích từ các nhóm phi chính phủ. “Trong khi tất cả chúng ta mong ước đó có thể làm một văn kiện mạnh mẽ hơn..., 193 thành viên phải thống nhất cam kết của mình”, ông nói.
Nhiều tiến trình cụ thể hơn có thể sẽ được đề cập tại hội nghị vào hôm nay (20-9), theo lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Theo đó, ít nhất 45 nước sẽ đưa ra cam kết đáp ứng các mục tiêu của Mỹ như gia tăng viện trợ nhân đạo lên 3 tỷ USD, tăng gấp đôi tái định cư, tăng việc tiếp cận giáo dục đối với 1 triệu thanh niên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu người vô gia cư. Theo Đại sứ Mỹ Samantha Power, ông Obama sẽ chủ trì cuộc họp với các giám đốc điều hành hàng đầu của 50 công ty để bàn giải pháp hỗ trợ cho vấn đề nói trên.
Văn phòng Cao ủy LHQ về tị nạn cho biết, tính đến cuối năm 2015, có 65,3 triệu người di cư/vô gia cư, tăng hơn 5 triệu người so với năm trước đó; bao gồm 21,3 triệu người tị nạn; 3,2 triệu người tìm kiếm tị nạn và 40,8 triệu người di cư.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời các nhà điều tra tội phạm chiến tranh của LHQ ngày 19-9 rằng, họ gặp khó khăn khi phỏng vấn những người tị nạn mới từ Syria đến các nước châu Âu; đồng thời thúc giục các quốc gia thuộc “lục địa già” dỡ bỏ những rào cản để các quan chức LHQ tiếp cận công việc. Ông Paulo Pinheiro, Chủ tịch Ủy ban điều tra về Syria của LHQ, không đề cập cụ thể tên các nước châu Âu cản trở các nhà điều tra tiếp xúc với những người tị nạn Syria. Hầu hết những người này đến Đức và Thụy Điển, một số khác hiện vẫn ở Hy Lạp và Ý để tìm kiếm tị nạn.
Trong lúc này, rắc rối cũng đến với Thủ tướng Đức Angela Merkel khi đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) của bà tiếp tục thất thế tại thủ đô Berlin vì chỉ đạt 17,5% số phiếu bầu, mức thấp nhất của đảng này tính đến hiện nay. Giới quan sát cho rằng, đây dường như là sự trừng phạt đối với bà Merkel vì chủ trương gây nhiều tranh cãi: mở cửa đón người nhập cư.
BÌNH YÊN