.

Thổ Nhĩ Kỳ gặp khó ở Syria

.

Chiến dịch quân sự xuyên biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria mang tên “Lá chắn sông Euphrates” đang gây nhiều tranh cãi khi Ankara đưa quân vào quốc gia Trung Đông này mà chưa được sự đồng ý của chính phủ Damascus.

Thổ Nhĩ Kỳ đưa xe tăng tràn qua biên giới Syria. 					Ảnh: AP
Thổ Nhĩ Kỳ đưa xe tăng tràn qua biên giới Syria. Ảnh: AP

Ngày 31-8, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim nói rằng, chiến dịch tấn công của nước này ở phía bắc Syria sẽ không dừng lại cho đến khi loại bỏ tất cả các mối đe dọa và bảo đảm an ninh quốc gia. Trong khi đó, chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad, vốn có quan hệ căng thẳng với Ankara, phản đối gay gắt chiến dịch quân sự này, cho rằng việc điều động xe tăng, nã pháo vào lãnh thổ Syria vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của nước này.

Sau một tuần diễn ra chiến dịch, Thổ Nhĩ Kỳ thu được một số kết quả ban đầu, trong đó có việc giành được thị trấn chiến lược Jarablus ở biên giới Syria, vốn do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) kiểm soát.

Khi đưa quân sang lãnh thổ nước láng giềng Syria, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố mục tiêu nhằm vào IS và ngăn chặn các chiến binh người Kurd chiếm giữ thêm lãnh thổ gần biên giới. Ankara muốn đẩy lùi Lực lượng tự vệ nhân dân người Kurd (YPG), vốn có mối quan hệ chặt chẽ với đảng Công nhân người Kurd (PKK) trở lại bờ đông sông Euphrates, tạo hành lang an toàn ở biên giới. Song, các cuộc đụng độ với các chiến binh người Kurd được Mỹ hậu thuẫn đang làm gia tăng căng thẳng giữa Ankara với đồng minh Washington.

Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ không thừa nhận “mục tiêu kép” - nhắm vào cả IS lẫn YPG. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã triệu Đại sứ Mỹ tại Ankara, ông John Bass, đến để phản đối những bình luận của giới chức Washington về mục đích và mục tiêu trong chiến dịch quân sự “Lá chắn sông Euphrates” là nhằm vào IS và YPG.

Hãng AP cho biết, ngày 31-8, Thổ Nhĩ Kỳ bác bỏ những thông tin về thỏa thuận ngừng bắn với các chiến binh người Kurd. “Không có hòa bình và cũng không có việc ngừng bắn nào. Việc ngừng bắn chỉ dừng trong chốc lát”, một tư lệnh Thổ Nhĩ Kỳ nói với Reuters. Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik cho rằng, không thể “đặt Thổ ngang với một tổ chức khủng bố và đề nghị đối thoại”. Vị quan chức này gọi một thỏa thuận giữa Ankara với các chiến binh người Kurd là “không thể chấp nhận được”. Ankara xem YPG và PKK là tổ chức khủng bố.

Giới quan sát nhận định, không có “cái gật đầu” của chính phủ Syria, việc Thổ Nhĩ Kỳ thúc đẩy quân sự ở quốc gia này xem ra không hợp pháp. Đó là chưa kể Ankara sẽ gặp nhiều bất lợi, nhất là trong việc xác định các vị trí tấn công. Ankara không những không nhận được sự ủng hộ của chính phủ Syria, mà còn không tìm được sự ủng hộ của Mỹ, Pháp và nhiều nước khác đang tham gia liên minh chống IS do Washington dẫn đầu ở Syria.

Theo Reuters, Mỹ cũng muốn tránh các cuộc đụng độ giữa lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ với các chiến binh Syria do Washington hậu thuẫn. Lầu Năm Góc nói rằng, liên minh quốc tế chống IS đang thiết lập các kênh thông tin để phối hợp tốt hơn ở “chiến trường đông đúc”. “Việc phối hợp hoạt động ở miền bắc Syria sẽ bảo đảm an toàn cho tất cả các lực lượng”, người phát ngôn Lầu Năm Góc Matthew Allen nói.

Trong lúc đó, Iran thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng ngừng can thiệp quân sự vào Syria và nhấn mạnh: Tehran không thể chấp nhận sự xâm phạm chủ quyền của Syria. “Mặc dù việc chống lại khủng bố là nguyên tắc của tất cả các chính phủ đang tìm kiếm hòa bình, nhưng không thể lấy điều này để biện minh cho các hoạt động quân sự trên lãnh thổ của nước khác mà không có sự phối hợp với chính phủ trung ương”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghasemi nói.

Iran từng có các cố vấn quân sự và các tình nguyện viên hiện diện ở Syria nhằm ủng hộ chính phủ của Tổng thống Assad. Nga cũng triển khai các lực lượng đặc biệt, pháo binh và máy bay chiến đấu ở Syria. Không những thế, Mỹ cũng có lực lượng đặc biệt nhằm cố vấn cho đồng minh - các chiến binh người Kurd đang chống IS ở Syria. Tuy nhiên, việc triển khai lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ lớn hơn nhiều. Ankara đã điều động khá nhiều xe tăng, xe bọc thép và lực lượng đặc nhiệm tràn qua biên giới Syria.

Ông Ghasemi nhấn mạnh: Xung đột sẽ chỉ gia tăng cho đến khi Thổ Nhĩ Kỳ rút quân. “Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phải nhanh chóng ngừng các hoạt động của mình. Bất kỳ sự leo thang xung đột nào ở phía bắc Syria cũng sẽ dẫn đến thêm những cái chết của người dân vô tội”, người phát ngôn này nói.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.