Tổng thống Mỹ Barack Obama cảnh báo, Trung Quốc không thể phớt lờ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) và cho rằng phán quyết này có tính ràng buộc pháp lý.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 4 tại Lào. Ảnh: AFP |
Phát biểu tại hội nghị giữa Mỹ với các đối tác Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ở thủ đô Vientiane (Lào) ngày 8-9, Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh: Trung Quốc không thể phớt lờ phán quyết của PCA, vốn bác bỏ hoàn toàn yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. “Phán quyết của tòa trọng tài mang tính bước ngoặt trong tháng 7, là sự ràng buộc, theo đó giúp làm rõ quyền hàng hải ở khu vực”, ông Obama khẳng định. Hãng AFP dẫn lời Tổng thống Mỹ thừa nhận tranh chấp trên Biển Đông làm gia tăng căng thẳng nhưng nhà lãnh đạo này cũng muốn bàn thảo cách tiếp cận để các nước cùng nhau giảm căng thẳng, thúc đẩy ngoại giao và sự ổn định.
Tranh chấp trên Biển Đông làm gia tăng quan ngại về sự đối đầu quân sự giữa các siêu cường thế giới. Trung Quốc muốn kiểm soát vùng biển chiến lược quan trọng này, bất chấp phán quyết của PCA.
Trung Quốc đã tức giận tuyên bố bác bỏ phán quyết, đồng thời mô tả đây là “sự lãng phí giấy” mặc dù Bắc Kinh đã ký Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Hãng AFP nhận định: Việc Tổng thống Obama lên tiếng về việc phán quyết mang tính ràng buộc sẽ khiến Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ. Bắc Kinh vốn cho rằng, Mỹ không có vai trò gì trong tranh chấp ở Biển Đông. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng tham dự các hội nghị khu vực trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 ở Lào trong tuần này. Ông Lý Khắc Cường cũng có cuộc gặp với Tổng thống Obama vào tối 8-9 tại Hội nghị cấp cao Đông Á gồm 18 nước.
Việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam khiến Mỹ có hàng loạt động thái phô diễn sức mạnh quân sự. Các nhà phân tích an ninh cũng cho rằng, việc Trung Quốc xây đảo trên bãi cạn Scarborough có thể khơi mào cho một cuộc đối đầu quân sự. Song, trong tuần này, Bắc Kinh khẳng định nước này không có bất kỳ động thái nào ở bãi cạn Scarborough. Ngày 8-9, tại thủ đô Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cũng nhắc lại việc bác bỏ phán quyết của PCA.
Hãng Reuters cho biết, trong tuyên bố được đưa ra ngày 8-9, các nhà lãnh đạo ASEAN cùng các đối tác ở châu Á xoa dịu căng thẳng trên Biển Đông; “tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải cũng như hàng không ở khu vực Biển Đông”. Song, tuyên bố không đề cập đến phán quyết của PCA hồi tháng 7.
Điều đáng nói là trong tuyên bố sau đó từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng, Trung Quốc sẵn sàng làm việc với các nước Đông Nam Á để “xua tan sự can thiệp… và xử lý đúng đắn vấn đề Biển Đông”. Ông Lý Khắc Cường không nói rõ hơn nhưng những lời lẽ như thế thường được các nhà lãnh đạo Trung Quốc dùng để hàm ý những nước ngoài khu vực không được liên quan trực tiếp đến tranh chấp, chẳng hạn như Mỹ.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn Reuters ngày 8-9, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh nói: “Cả Trung Quốc lẫn Mỹ là hai trong số những đối tác quan trọng nhất của ASEAN và ASEAN không muốn phải lựa chọn ai trong số họ”.
Philippines là Chủ tịch ASEAN 2017 Chiều 8-9, phát biểu tại lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN 28-29, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith tuyên bố: Hội nghị cấp cao ASEAN đã thành công tốt đẹp; đồng thời cảm ơn sự ủng hộ giúp đỡ và hợp tác của các nước thành viên ASEAN, các nước đối tác đối thoại, các đối tác bên ngoài. Thủ tướng Sisoulith nhấn mạnh: Năm 2016 là năm đầu tiên triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025. Việc Hội nghị cấp cao ASEAN lần này thông qua nhiều văn kiện nhằm “Biến tầm nhìn thành hiện thực vì một cộng đồng ASEAN năng động” là quan trọng, nhưng bước đi tiếp theo sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi ASEAN cần biến những tài liệu đó thành những hành động cụ thể. Thủ tướng Lào bày tỏ tin tưởng các nước thành viên sẽ tập trung sức lực và trí tuệ để tổ chức thực hiện hiệu quả các Tuyên bố tại hội nghị cấp cao và các hội nghị liên quan, cũng như tầm nhìn ASEAN đến năm 2025 nhằm hiện thực hóa kế hoạch tổng thể 3 trụ cột cộng đồng kinh tế - chính trị - xã hội ASEAN, góp phần xây dựng hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới. Thủ tướng Sisoulith đã long trọng chuyển giao cương vị Chủ tịch ASEAN 2017 cho Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. TTXVN - VOV |
PHÚC NGUYÊN