Quốc tế
Tổng thống Philippines muốn đối thoại với lực lượng nổi dậy
ĐNĐT - Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không ban bố tình trạng khẩn cấp ở một đảo phía nam, cũng không thực thi lệnh bắt giữ thủ lĩnh Hồi giáo Nur Misuari để có thể đối thoại với lực lượng nổi dậy.
Các binh sĩ Philippines đưa đồng đội thiệt mạng trong cuộc đối đầu với nhóm Abu Sayyaf về nhà từ sân bay Jolo, đảo Mindanao, ngày 30-8. Ảnh: AFP |
Ngày 31-8, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bác bỏ đề xuất ban bố tình trạng khẩn cấp ở một đảo phía nam để có thể nhanh chóng đánh bại những phần tử cực đoan Abu Sayyah. Nhóm này đã giết chết 15 binh sĩ của Philippines trong cuộc xung đột kéo dài một ngày - tổn thất lớn nhất của chính phủ tính đến thời điểm này.
Hãng AP dẫn lời Tổng thống Duterte tuyên bố, quân đội và cảnh sát sẽ không thực thi lệnh bắt giữ thủ lĩnh nổi bật của Hồi giáo Nur Misuari. Misuari đang điều hành một trong hai nhóm Hồi giáo nổi loạn lớn nhất ở miền nam. Theo đó, hai bên có thể tiến hành đối thoại.
Trong khi tìm cách đối thoại với Mặt trận Giải phóng dân tộc Moro của Misuari và tổ chức lớn hơn là Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro, Tổng thống Duterte đã ra lệnh quân đội phá hủy Abu Sayyaf, một tổ chức nhỏ hơn nhưng tàn ác hơn, khét tiếng với các vụ đánh bom, bắt cóc đòi tiền chuộc và xử tử bằng cách chặt đầu.
Một cuộc tấn công quân sự lớn ở Sulu, một tỉnh có phần đông dân theo đạo Hồi và là nơi Abu Sayyaf từng có mặt thời gian dài trong những cánh rừng rậm rạp, đã làm 30 chiến binh thiệt mạng, trong đó có một chỉ huy có sức ảnh hưởng lớn.
Tuy vậy, ngày 29-8, Abu Sayyaf đã phản công làm 15 binh sĩ thiệt mạng tại thị trấn miền núi Patikul của tỉnh Sulu.thiệt mạng, trong đó có một chỉ huy có sức ảnh hưởng lớn.
Tổng thống Duterte yêu cầu Misuari ra khỏi nơi ẩn trốn, sau khi ông này bị kết tội hình sự vì vai trò trong cuộc bao vây nổi loạn ở thành phố phía nam Zamboanga năm 2013, giết chết hơn 200 chiến binh và dân làng. Gần 300 phiến quân của cuộc nổi loạn này cũng đã bị bắt giữ.
Tổng thống Duterte cho rằng, Misuari muốn gặp ông tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, đồng thời trả lời qua điện thoại hôm 30-8 rằng ông sẵn sàng gặp quân phiến loạn ở bất kỳ nơi nào.
Misuari hiện 77 tuổi. Dưới thời cai trị độc tài của Tổng thống Ferdinand Marcos trong những năm 1970, Misuari đã xúi giục một cuộc nổi dậy Hồi giáo ly khai ở miền nam. Tuy nhiên, ông đã chấp nhận quyền tự trị hạn chế cho những người Hồi giáo thiểu số miền nam.
Năm 1996, ông ký hiệp ước hòa bình với chính phủ. Song, nhiều người trong số các phiến quân của Misurari từ chối bỏ vũ khí và thi thoảng tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công.
KHANG NINH