Quốc tế
ASEAN quan ngại hành động của Trung Quốc
Dự thảo Tuyên bố chung tại hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) diễn ra ở Lào bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc bồi lấp các đảo nhân tạo trên Biển Đông. Các nước ASEAN vốn cho rằng, hành động này có thể gây bất ổn đối với khu vực.
Các nhà lãnh đạo tham dự lễ khai mạc hội nghị cấp cao ASEAN diễn ra ở Lào với chủ đề “Biến tầm nhìn thành hiện thực vì một cộng đồng ASEAN năng động”. Ảnh: TTXVN |
Ngày 6-9, hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28 và 29 chính thức khai mạc tại thủ đô Vientiane của Lào với chủ đề “Biến tầm nhìn thành hiện thực vì một Cộng đồng ASEAN năng động”. Phát biểu tại lễ khai mạc, Chủ tịch Lào Bounnhang Vorachith nhấn mạnh: hội nghị lần này là dịp để lãnh đạo các nước ASEAN và các nước đối tác trao đổi, bàn thảo nhằm thúc đẩy những cơ chế hợp tác mới, hiệu quả hơn sau khi Cộng đồng ASEAN chính thức hình thành từ ngày 31-12 năm ngoái. Ông Vorachith cũng nói rằng, ASEAN hiện “không chỉ là một tổ chức liên nghị viện của 10 quốc gia mà còn là của các quốc gia
ngoại khối”.
Philippines sẽ không nhân nhượng Trung Quốc
Hãng AP cho biết, Tuyên bố chung sẽ được công bố vào ngày 8-9 nhưng hầu hết các điểm chính của dự thảo, trong đó có những quan ngại về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, được kỳ vọng không thay đổi. “Chúng tôi vẫn quan ngại nghiêm trọng về sự phát triển gần đây và đang diễn ra, đồng thời ghi nhận những lo ngại của một số nhà lãnh đạo đối với việc cải tạo đất và các hoạt động leo thang ở khu vực”, dự thảo Tuyên bố chung nêu rõ.
Bản dự thảo còn nhấn mạnh: Việc cải tạo đất và các hành động khác “làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và có thể hủy hoại hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực”. Song, dự thảo không nhắc đến phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) có trụ sở ở The Hague (Hà Lan) bác bỏ hoàn toàn yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte từng nói rằng, ông sẽ không “làm khó” Trung Quốc tại hội nghị cấp cao ASEAN và hội nghị cấp cao Đông Á ở Lào, theo đó không thảo luận phán quyết của PCA. Tuy nhiên, trước thềm hội nghị cấp cao ASEAN, ông Duterte khẳng định sẽ không nhân nhượng với Trung Quốc trong vấn đề phán quyết của PCA. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Philippines cũng muốn yêu cầu Bắc Kinh lý giải việc điều động thêm nhiều tàu đến Biển Đông, nhất là khu vực bãi cạn Scarborough - nơi xảy ra tranh chấp với Manila.
Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, Tổng thống Duterte có quan điểm hòa giải hơn so với người tiền nhiệm. AP cho rằng, việc ông Duterte xác nhận các hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough có thể làm cản trở mối quan hệ song phương.
Các quan chức Mỹ cũng quan ngại sâu sắc về khả năng Trung Quốc phát triển bãi cạn Scarborough thành đảo hoặc bắt đầu đổ bê-tông tại đây.
Bên lề hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nhất trí tăng cường hợp tác nhằm bảo đảm một giải pháp hòa bình cho vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Theo đó, Tokyo sẽ cung cấp 2 tàu tuần tra cỡ lớn cho Manila, đồng thời cam kết cho quốc gia Đông Nam Á này thuê 5 máy bay do thám.
Mỹ xây dựng niềm tin
Với sự hiện diện tại thủ đô Vientiane nhân hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan, Tổng thống Barack Obama trở thành nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên đến Lào, bắt đầu chuyến công du 3 ngày mang ý nghĩa xây dựng niềm tin và khép lại một chương đen tối trong lịch sử giữa hai nước. Đây cũng là chuyến công du cuối cùng của ông Obama trên cương vị Tổng thống đến Đông Nam Á, khu vực mà ông đã dành sự quan tâm đặc biệt trong nhiệm kỳ của mình.
Ngày 6-9, ông Obama gặp gỡ Chủ tịch Lào Bounnhang Vorachith. Nhà lãnh đạo Mỹ cam kết viện trợ 90 triệu USD cho Lào trong một dự án 3 năm nhằm giúp nước này rà phá khoảng 80 triệu quả bom chùm chưa nổ do máy bay Mỹ ném xuống từ thời chiến tranh, một phần trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Ông Vorachith gọi quyết định này là một biện pháp tăng cường độ tin cậy lẫn nhau.
Tổng thống Obama còn cam kết phục hồi quan hệ với Lào, quốc gia có tầm quan trọng chiến lược đang gia tăng đối với Mỹ. AP cho rằng, với ông Obama, chuyến công cán lần này nhằm thúc đẩy quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á trong chiến lược “xoay trục” của Mỹ từ Trung Đông về châu Á, đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực và bảo đảm tìm kiếm chỗ đứng vững chắc trong thị trường đang nổi này. “Những lợi ích của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương không phải là điều mới mẻ. Nó phản ánh các lợi ích quốc gia cơ bản”, ông Obama nói. Tổng thống Mỹ còn tái khẳng định sự can dự của Washington với châu Á sẽ được bảo đảm kể cả sau khi ông rời Nhà Trắng.
BÌNH YÊN