.

Triều Tiên thử hạt nhân, Đông Bắc Á chấn động

.

CHDCND Triều Tiên tuyên bố đã tiến hành thử hạt nhân lần thứ 5 vào ngày 9-9, ngày Quốc khánh của nước này. Khu vực Đông Bắc Á lại chấn động cùng với những phản ứng của Hàn Quốc, Nhật Bản và cả sự phản đối của Trung Quốc.

CHDCND Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo tại một địa điểm không xác định ngày 23-4-2016.        Ảnh: AFP
CHDCND Triều Tiên phóng một tên lửa đạn đạo tại một địa điểm không xác định ngày 23-4-2016. Ảnh: AFP

Hãng Reuters cho biết, Cơ quan giám sát địa chất Mỹ ghi nhận chấn động 5,3 độ Richter tại một điểm gần nơi CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ tư hồi tháng 1 vừa qua. Theo chuyên gia Jeffrey Lewis thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury có trụ sở ở California (Mỹ), đây là vụ thử lớn nhất của Bình Nhưỡng, hơn cả bom hạt nhân do Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản và có thể hơn bom thả xuống Nagasaki trong Thế chiến thứ hai.

CHDCND Triều Tiên còn cho hay, nước này hiện có khả năng gắn các đầu đạn hạt nhân vào các tên lửa đạn đạo tầm trung; đồng thời không xảy ra hiện tượng rò rỉ vật liệu hạt nhân trong vụ hạt nhân lần 5 và không ảnh hưởng môi trường. Bình Nhưỡng cũng đã thử tên lửa đạn đạo tầm trung vào ngày 5-9, khi các nhà lãnh đạo nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) nhóm họp ở thành phố Hàng Châu (Trung Quốc).

Mỹ cảnh báo “những hệ lụy nghiêm trọng”

Có mặt ở Lào sau Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cho rằng, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên đang thể hiện “sự liều lĩnh điên cuồng” khi phớt lờ lời kêu gọi của thế giới về việc ngừng theo đuổi vũ khí hạt nhân. Bà Park cắt ngắn chuyến công du ở Lào để ngay lập tức trở về Seoul trong tối 9-9.

Trên chuyên cơ từ Lào về nước, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định: Vụ thử nói trên sẽ vấp phải “những hệ lụy nghiêm trọng”. Ông Obama ngay lập tức trao đổi qua điện thoại với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Theo đó, nhà lãnh đạo Mỹ cam kết hành động theo hiệp ước quốc phòng song phương với Hàn Quốc, bảo vệ Seoul trước mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. Các quan chức Mỹ, Nhật, Hàn cũng đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) họp khẩn.

Về phía Nhật Bản, Thủ tướng Abe nói rằng, không thể dung thứ cho một vụ thử hạt nhân như thế. Ngoại trưởng Nhật Bản đã gửi công hàm phản đối và Tokyo điều 2 máy bay quân sự bắt đầu đo mức phóng xạ. Phía Tokyo xác định đây không phải là vụ thử bom nhiệt hạch (bom H).

Theo Reuters, việc CHDCND Triều Tiên tiếp tục các vụ thử bất chấp các biện pháp trừng phạt của HĐBA LHQ đặt ra nhiều thách thức đối với Tổng thống Obama trong những tháng cuối nhiệm kỳ và vấn đề này có thể là một nhân tố trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản, Trung Quốc, Nga và Hàn Quốc để gây áp lực lên CHDCND Triều Tiên. Ông Russel chỉ trích hành động của Bình Nhưỡng vi phạm luật quốc tế và đe dọa sự ổn định khu vực. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook cho hay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, đang có chuyến công cán ở Na Uy, sẽ hợp tác chặt chẽ với Hàn Quốc và các đồng minh khác ở khu vực. “Nếu xác định đây là vụ thử hạt nhân thì sẽ là sự vi phạm trắng trợn nghị quyết của HĐBA LHQ và sự khiêu khích nghiêm trọng tạo ra mối đe dọa đáng kể đối với hòa bình, an ninh của bán đảo Triều Tiên và sự ổn định của châu Á - Thái Bình Dương”, ông Cook nói.

Trung Quốc: Vụ thử là “không khôn ngoan”

Trung Quốc - đồng minh ngoại giao lớn của CHDCND Triều Tiên - bày tỏ cảm giác sốc và “kiên quyết phản đối” vụ thử, thúc giục Bình Nhưỡng ngừng bất kỳ động thái nào làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn. Bắc Kinh mô tả, vụ thử chỉ “đổ thêm dầu vào lửa” và cho rằng, không ai được hưởng lợi từ sự khủng hoảng hay chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc sẽ theo đuổi việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo này và thúc đẩy đàm phán 6 bên, đồng thời mong muốn tất cả các bên kiềm chế.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại  giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, nước này đã trao công hàm phản đối với Đại sứ quán của Bình Nhưỡng ở Bắc Kinh. Bộ Môi trường Trung Quốc bắt đầu giám sát phóng xạ ở phía đông bắc nước này, dọc biên giới với CHDCND Triều Tiên.

Trong khi đó, hãng Tân Hoa xã bình luận: Vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên là “không khôn ngoan” nhưng quyết định của Hàn Quốc và Mỹ triển khai hệ thống phòng vệ tên lửa khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) sẽ hủy hoại nghiêm trọng cân bằng chiến lược khu vực. Trung Quốc nhấn mạnh: THAAD là mối đe dọa cho an ninh của cường quốc châu Á này và không đưa CHDCND Triều Tiên trở lại bàn đàm phán hạt nhân.

Tuy nhiên, theo Reuters, Trung Quốc dường như không có hành động mạnh mẽ đối với CHDCND Triều Tiên. Những bình luận sau các vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng trước đó đều không nhắc thẳng tên CHDCND Triều Tiên. Một quan chức cấp cao phương Tây giấu tên nói rằng, Trung Quốc ít có ảnh hưởng đối với đồng minh Bình Nhưỡng.

Về phía Nga, trong cuộc gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Geneva (Thụy Sĩ), Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng bày tỏ quan ngại về vụ thử. “Nghị quyết của HĐBA LHQ phải được thực thi và chúng tôi phải gửi thông điệp này mạnh mẽ”, ông Lavrov nhấn mạnh.  

PHÚC NGUYÊN

Những bước tiến về hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên năm 2016

- Ngày 1-1: CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 4, tuyên bố thử nghiệm thành công một quả bom nhiệt hạch (bom H), gây ra rung chấn mạnh ở vùng đông bắc nước này. Hàn Quốc thề CHDCND Triều Tiên sẽ phải trả giá đắt.

- Ngày 2-2: CHDCND Triều Tiên thông báo với các tổ chức quốc tế rằng quốc gia này sẽ triển khai phóng vệ tinh trong khoảng thời gian từ ngày 8-2 đến 25-2. Sau đó, lịch được đổi từ ngày 7-2 đến 14-2.

- Ngày 7-2: CHDCND Triều Tiên phóng một tên lửa tầm xa.

- Ngày 18-3: Lần đầu tiên kể từ năm 2014 CHDCND Triều Tiên bắn một tên lửa tầm trung Rodong. Tên lửa này bay khoảng 800km trước khi rơi xuống vùng bờ biển phía đông nước này.

- Ngày 23-4: CHDCND Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm, di chuyển khoảng 30km. Bình Nhưỡng tuyên bố vụ phóng này nhằm nâng cấp công nghệ đầu đạn hạt nhân.

- Ngày 22-6: Mỹ và Hàn Quốc cho biết, CHDCND Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa bị nghi là “Musudan”. Đây là loại tên lửa có khả năng phóng đến các căn cứ quân sự Mỹ ở châu Á trong tương lai. Sau đó, Bình Nhưỡng tuyên bố đã thử nghiệm thành công một tên lửa tầm trung mới và mạnh, có thể đạt tới độ cao tối đa 1,400km trước khi đáp xuống vùng biển mục tiêu ở vị trí cách 400km.

- Ngày 19-7: CHDCND Triều Tiên bắn 3 tên lửa đạn đạo, 2 trong số đó bay khoảng 300-500km.

- Ngày 3-8: CHDCND Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo tầm trung, có khả năng là tên lửa Rodong, bay khoảng 1.000km và rơi xuống gần lãnh hải Nhật Bản.

- Ngày 24-8: CHDCND Triều Tiên bắn một tên lửa đạn đạo từ một tàu ngầm, bay khoảng 500km trước khi xuống vùng biển gần Nhật Bản. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết, nước này đã có khả năng thực hiện một cuộc tấn công hạt nhân có trang bị đầy đủ, đồng thời đưa lãnh thổ Mỹ vào vùng tấn công.

- Ngày 5-9: CHDCND Triều Tiên phóng 3 tên lửa, khả năng là tên lửa tầm trung. Các tên lửa bay khoảng 1.000km trước khi rơi xuống vùng biển gần Nhật Bản.

KHANG NINH

 

;
.
.
.
.
.