.

Vụ khủng bố 11/9 và những sự thật không thể lãng quên

.

Ngày 11/9/2001, cả thế giới bàng hoàng chứng kiến cảnh hai tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTO) sụp đổ trong một loạt khủng bố nhằm vào nước Mỹ. 15 năm đã trôi qua và những câu hỏi về thảm kịch kinh hoàng này vẫn còn đọng lại trong tâm trí của nhiều người.

Một trong hai máy bay do không tặc điều khiển lao vào một trong hai tòa tháp đôi tại Trung tâm thương mại Mỹ ngày 11/9/2001 (Ảnh: News.com.au)
Một trong hai máy bay do không tặc điều khiển lao vào một trong hai tòa tháp đôi tại Trung tâm thương mại Mỹ ngày 11/9/2001 (Ảnh: News.com.au)

Chuyện gì đã xảy ra vào ngày 11/9/2001?

19 tên không tặc lái 4 máy bay thương mại của Mỹ lần lượt tấn công các mục tiêu gồm: hai máy bay lao thẳng vào tòa tháp đôi của Trung tâm thương mại thế giới (World Trade Center) tại thành phố New York, một máy bay khác đâm vào trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ ở Lầu Năm Góc tại Washington, một máy bay rơi xuống một cánh đồng ở Shanksville, Pennsylvania .

Bao nhiêu người thiệt mạng và bị thương sau vụ khủng bố 11/9?

Vụ khủng bố 11/9 đã khiến 2.996 người thiệt mạng và là vụ khủng bố đẫm máu nhất do thế lực nước ngoài gây ra tại Mỹ. Ngoài ra, còn có hơn 6.000 người khác bị thương sau vụ tấn công này.

Ai là kẻ đứng sau những vụ tấn công này, và động cơ tấn công là gì?

Tổ chức khủng bố Al-Qaeda là những kẻ chủ mưu tiến hành vụ tấn công 11/9. Trong đó, lời hiệu triệu thánh chiến nhằm chống lại nước Mỹ do Osama bin Laden, thủ lĩnh của Al-Qaeda, được xem là động cơ lớn nhất dẫn tới hành động tấn công liều chết của 19 tên không tặc. 15 trong số 19 tên này đến từ Ả rập Xê út, số còn lại đến từ Các Tiểu vương quốc Ả rập, Ai Cập và Lebanon.

Trung tâm thương mại thế giới được xây dựng để làm gì trước khi xảy ra vụ tấn công 11/9?

Trung tâm thương mại thế giới là tổ hợp gồm 7 tòa tháp ở Manhattan, chủ yếu được sử dụng để làm văn phòng và trung tâm thương mại. Khi hoàn tất quá trình xây dựng vào những năm 1970, hai tòa tháp đôi của trung tâm này, cũng là hai tòa tháp bị tấn công, là hai tòa nhà cao nhất thế giới vào thời điểm đó.

Người dân Mỹ hoảng loạn vào thời điểm xảy ra vụ tấn công khủng bố. (Ảnh: Reuters)
Người dân Mỹ hoảng loạn vào thời điểm xảy ra vụ tấn công khủng bố. (Ảnh: Reuters)

Vụ khủng bố 11/9 có phải là vụ tấn công đầu tiên nhằm vào Trung tâm thương mại thế giới không?

Vụ khủng bố 11/9 không phải là vụ tấn công đầu tiên nhằm vào Trung tâm thương mại thế giới. Trước đó, vào năm 1993, những kẻ khủng bố đã phát nổ một quả bom ở khu đỗ xe dưới tầng hầm của trung tâm này. Vụ nổ này khiến 6 người thiệt mạng và hơn 1.000 người khác bị thương. Tuy nhiên các tòa tháp vẫn đứng vững sau vụ nổ. Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) sau đó đã bắt giữ một vài phần tử khủng bố người Hồi giáo có liên quan tới vụ đánh bom này.

Liệu có phải nước Mỹ đã hoàn toàn mất cảnh giác khi để xảy ra vụ khủng bố 11/9? Cơ quan tình báo Mỹ trước đó đã từng lường trước được một vụ tấn công nào như vậy chưa?

Trước khi xảy ra vụ 11/9, đã có một số vụ việc tỏ dấu hiệu cho thấy có thể những kẻ khủng bố sẽ tiến hành một vụ tấn công có quy mô lớn hơn nhằm vào nước Mỹ, trong đó có vụ đánh bom ở Trung tâm thương mại thế giới năm 1993, vụ đánh bom ở Đại sứ quán Mỹ tại Kenya và Tanzania năm 1998 và vụ tấn công nhằm vào chiến hạm USS Cole của Mỹ ở Yemen. Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) thậm chí đã từng theo dõi tung tích của của một số tên không tặc tiến hành vụ khủng bố 11/9 khi chúng đặt chân tới Mỹ trước đó và xếp chúng vào danh sách “mối đe dọa tiềm tàng”, tuy nhiên các cơ quan chức năng đã không kịp thời xử lý các thông tin tình báo này.

Những tên không tặc đã chiếm đoạt các máy bay bằng cách nào? Các hành khách trên máy bay thứ 4, chiếc bị rơi ở cánh đồng tại Shanksville, đã chống cự lại nhóm không tặc ra sao? Nếu không bị khống chế thì máy bay thứ 4 sẽ tấn công mục tiêu nào tiếp theo?

Nhóm không tặc đã xông vào buồng lái của cả 4 máy bay, sau đó sát hại hoặc khống chế phi hành đoàn bằng các dụng cụ sẵn có trên máy bay như dao ăn. Đối với máy bay thứ 4, chuyến bay 93 của hãng hàng không United Airlines, các hành khách đã cố gắng đi vào buồng lái và giành quyền kiểm soát máy bay từ nhóm không tặc. Tuy nhiên, không lâu sau đó, máy bay này đã rơi xuống một cánh đồng ở Shanksville, khiến toàn bộ hành khách trên máy bay thiệt mạng. Máy bay thứ 4 được cho là dự định bay tới Washington D.C và nhắm đến một trong hai mục tiêu là Nhà Trắng hoặc Tòa nhà Quốc hội Mỹ.

Hàng nghìn người mắc kẹt trong các văn phòng của tòa tháp đôi khi vụ tấn công xảy ra. (Ảnh: Reuters)
Hàng nghìn người mắc kẹt trong các văn phòng của tòa tháp đôi khi vụ tấn công xảy ra. (Ảnh: Reuters)

Tại sao chưa đầy một tháng sau vụ tấn công 11/9, Mỹ và các nước đồng minh tiến hành một cuộc chiến ở Afghanistan?

Tổ chức khủng bố Al-Qaeda, dưới sự bảo bọc của Taliban - một phong trào Hồi giáo thống trị ở Afghanistan từ năm 1996 đến năm 2001, đã lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công 11/9. Cựu Tổng thống George W. Bush, với sự hậu thuẫn từ Quốc hội Mỹ, đã phát lệnh mở cuộc tấn công quân sự toàn diện ở Afghanistan để tiêu diệt Al-Qaeda và đánh bật quyền lực của Taliban ở Afghanistan.

Mỹ đã can dự vào cuộc chiến tranh ở Iraq như thế nào? Vai trò của vũ khí hủy diệt hàng loạt là gì?

Sau vụ khủng bố 11/9, chính quyền của Tổng thống Bush đã chỉ ra mối liên hệ giữa phần tử Al-Qaeda với lực lượng tình báo Iraq. Giới chức Mỹ cũng cho rằng Iraq sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt, đặc biệt là các phòng thí nghiệm cơ động có thể sản xuất vũ khí sinh học. Tuy nhiên, trong suốt quá trình quân đội Mỹ tác chiến ở Iraq, Washington chưa phát hiện ra bất kỳ vũ khí hủy diệt hàng loạt nào tại đây.

Mỹ đã mất bao lâu để phát hiện ra nơi ở của Osama bin Laden?

Các cơ quan điều tra của Mỹ đã mất gần 10 năm để có thể truy lùng và tiêu diệt Osama bin Laden, nhân vật được xem là “kiến trúc sư” cho kế hoạch tấn công ngày 11/9, mặc dù Washington đã treo thưởng 25 triệu USD để lấy đầu tên này. Ngày 2/5/2011, một nhóm đặc vụ SEAL của Mỹ đã đột kích vào nơi ở của bin Laden tại Abbottabad, Pakistan, bắn chết tên này và một vài vệ sĩ của y.

Đài tưởng niệm được xây dựng tại vị trí của hai tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới (WTC) tại New York, Mỹ. (Ảnh: AP)
Đài tưởng niệm được xây dựng tại vị trí của hai tòa tháp đôi Trung tâm thương mại thế giới (WTC) tại New York, Mỹ. (Ảnh: AP)

Ngày nay, những công trình nào đã được dựng lên tại vị trí của Trung tâm thương mại thế giới, Lầu Năm Góc và cánh đồng ở Shanksville, những nơi đã xảy ra vụ tấn công 11/9?

Hiện tại, Bảo tàng và Đài tưởng niệm quốc gia 11/9 cùng Trung tâm thương mại một thế giới đã được dựng lên trên nền tòa tháp đôi bị đánh sập trong vụ khủng bố cách đây 15 năm. Tại Lầu Năm Góc, một khu tưởng niệm ngoài trời cũng đã được xây dựng để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố. Còn tại Shanksville, một khu tưởng niệm cũng đã được mở ra trên cánh đồng để tưởng nhớ những hành khách đã thiệt mạng trên chuyến bay.

Nước Mỹ đã thay đổi ra sao từ sau vụ tấn công 11/9?

Cuộc tấn công đã khiến chính phủ Mỹ dành sự quan tâm nhiều hơn cho cuộc chiến chống khủng bố, không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới. Bộ An ninh nội địa Mỹ đã được thành lập với chức năng phối hợp hoạt động giữa các cơ quan an ninh của Mỹ, các sân bay cũng tăng cường quá trình kiểm tra an ninh của mọi hành khách tới Mỹ, cùng với đó sự hợp tác giữa Mỹ và các quốc gia khác trong vấn đề chia sẻ thông tin tình báo cũng được đẩy mạnh.

Liệu một vụ tấn công tương tự vụ 11/9 có thể xảy ra ở Mỹ nữa không?

Có thể có, nhưng cũng có thể không. Daniel Byman, giáo sư an ninh quốc gia tại Đại học Georgetown và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Brookings, nhận định hoạt động chia sẻ thông tin tình báo giữa các cơ quan an ninh của Mỹ và các nước khác, sự theo dõi sát sao của Mỹ đối với các nhóm khủng bố, và quan trọng nhất, là mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa chính phủ Mỹ và các cộng đồng người Hồi giáo tại nước này khiến cho khả năng xảy ra một vụ tấn công với quy mô tương tự vụ 11/9 giảm đi. Trong vòng 15 năm từ sau vụ 11/9, 94 người đã thiệt mạng trong các vụ tấn công thánh chiến xảy ra trên đất Mỹ, ít hơn nhiều so với số người chết trong các vụ tai nạn giao thông, bệnh tật hay nổ súng bất ngờ. “Tất cả những điều kiện để một vụ tấn công khủng bố như vụ 11/9 có thể diễn ra thành công ở Mỹ sẽ khó hơn nhiều ở thời điểm hiện tại”, giáo sư Byman nhận định.

Thành Đạt

Theo Dân trí

;
.
.
.
.
.