Quốc tế
1 năm cuộc chiến chống IS của Nga: Tìm giải pháp hòa bình ở Syria
Một năm trước, ngày 30-9-2015, không quân Nga bắt đầu tiến hành chiến dịch không kích nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria theo đề nghị của chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad. Sự có mặt của Nga làm thay đổi cục diện cuộc chiến chống IS, thúc đẩy tiến trình hòa bình cho Syria.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đàm phán tại Geneva (Thụy Sĩ) để tìm thỏa thuận ngừng bắn ở Syria. Ảnh: Reuters |
Cùng với việc tiêu diệt hàng ngàn phiến quân IS, quân đội Nga đã phải chịu những tổn thất nhất định. Song, thông qua các chiến dịch này, Nga trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy những nỗ lực góp phần đưa tới quá trình hòa bình cho Syria.
Một năm trước, những chiếc máy bay đầu tiên của không quân Nga bắt đầu dội bom xuống các cứ điểm IS gần hai thành phố Homs và Hama. Tại thời điểm đó, liên minh quốc tế chống IS do Mỹ dẫn đầu cũng đã có những chiến dịch chống khủng bố tại Syria. Tuy nhiên, Nga là quốc gia duy nhất nhận được yêu cầu hỗ trợ chính thức từ Tổng thống Bashar al-Assad để tiến hành không kích tại nước này.
Một năm qua đi, chúng ta cùng nhìn lại 5 cột mốc đáng kể của chiến dịch không kích IS tại Syria của Nga.
Giải phóng thành cổ Palmyra
Cùng với các sứ mệnh của mình, không quân Nga đã hỗ trợ quân đội Syria trong chiến dịch giải phóng một trong những thành phố trọng yếu và cũng là di sản thế giới của nước này, thành cổ Palmyra. Thành cổ này bị rơi vào tay IS kể từ tháng 5-2015 và mãi đến tháng 3 năm nay, cùng với sự yểm trợ của không quân Nga, quân đội chính phủ Syria đã giành lại quyền kiểm soát.
SU-24 bị bắn rơi
Chiến dịch quân sự của Nga tại Syria vấp phải một sự cố nghiêm trọng vào năm ngoái khi máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay ném bom Su-24 của Mátxcơva làm 1 phi công thiệt mạng.
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, máy bay Nga đã xâm phạm không phận của họ. Tuy nhiên, Mátxcơva cho biết, chiếc Su-24 đã bị tấn công tại khu vực biên giới của Syria. Trong quá trình cứu hộ chiếc Su-24 bị nạn, lực lượng của Nga còn bị thêm một tổn thất nữa là mất một chiếc trực thăng vì bị các phiến quân dưới đất tấn công.
Tháng 6 vừa qua, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã có văn bản xin lỗi Nga về vụ bắn rơi Su-24. Từ đó, hai nước bình thường hóa quan hệ trở lại.
Giảm hiện diện quân sự
Ngày 15-3-2016, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố sẽ rút phần lớn các máy bay chiến đấu cũng như quân nhân Nga ra khỏi Syria với lý do phần lớn chiến dịch của Mátxcơva tại nước này đã hoàn thành. Cũng vào thời điểm ấy, các quan chức Nga cho biết, không quân Nga đã tiến hành hơn 7.000 đợt không kích, phá hủy vô số căn cứ và nơi trú ẩn của lực lượng phiến quân, tiêu diệt gần 13.000 tên khủng bố.
Hỗ trợ nhân đạo
Nga đã thành lập Trung tâm hòa giải tại Syria với nhiệm vụ hỗ trợ giám sát để giảm xung đột và triển khai các đề xuất hòa bình quốc tế tại thực địa.
Ngày 28-7 vừa qua, trung tâm này và chính phủ Syria triển khai 3 “hành lang an toàn” để dân thường có thể sơ tán khỏi thành phố Aleppo. Cùng với đó là một lộ trình thứ tư dành cho những phiến quân muốn đầu hàng. Các hành lang này hầu hết cũng được sử dụng để phân phối hàng cứu trợ, trong đó có thuốc men và lương thực tới người dân Syria.
Quá trình hòa bình
Một mặt tiến hành không kích, mặt khác Nga vẫn tiếp tục đồng hành với Mỹ trong quá trình tìm kiếm một giải pháp chính trị cho tình thế bế tắc tại Syria. Sau các cuộc đàm phán liên miên tại Geneva (Thụy Sĩ) vào tháng 2 năm nay, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry cũng đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại Syria.
Thỏa thuận này có hiệu lực ngày 27-2. Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau xảy ra những vi phạm thỏa thuận ở phía các lực lượng nổi dậy chống chính phủ. Mới đây nhất là ngày 9-9, tại Geneva, hai ngoại trưởng Nga và Mỹ cũng đã công bố một thỏa thuận ngừng bắn mới ở Syria. Thỏa thuận này chính thức có hiệu lực ngày 12-9 nhưng vẫn tiếp tục bị vi phạm và đến nay vẫn chưa có một thỏa thuận ngừng bắn mới nào.
Các chuyên gia cho rằng, tuy chiến dịch chống IS của Nga làm thay đổi cục diện, thúc đẩy tiến trình hòa bình cho Syria nhưng cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông này vẫn chưa được giải quyết. Đây sẽ tiếp tục là thách thức lớn trong thời gian tới với cả Nga lẫn Mỹ và các bên liên quan ở Syria.
Phát biểu họp báo tại thủ đô Washington ngày 29-9 (giờ địa phương), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận nỗ lực giữa Nga và Mỹ kéo dài nhằm tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Syria đang “rơi vào ngõ cụt”, nhất là khi bạo lực tại thành phố Aleppo ngày một leo thang. Ông Kerry cho rằng, Mỹ cần phải tìm kiếm và theo đuổi các phương án thay thế khác. Trong khi đó, trao đổi với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, Nga sẽ tiếp tục các nỗ lực để đạt được lệnh ngừng bắn bền vững và cải thiện tình hình nhân đạo tại Syria. |
TRẦN ĐẮC LUÂN