Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đối mặt “cơn bão” các vấn đề khi nhóm họp ở thủ đô Brussels của Bỉ ngày 20-10.
Thủ tướng Anh Theresa May sẽ đến Brussels để tham dự hội nghị thượng đỉnh EU. Anh đứng trước nguy cơ mất những lợi ích từ thị trường duy nhất khi rời EU. Ảnh: AFP |
Theo các nhà quan sát, trong hàng loạt “rối rắm” của EU, nổi lên là vấn đề nhập cư, Brexit (Anh rời EU) và việc làm.
Trong phát biểu hồi tháng 9 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã than thở về cuộc khủng hoảng hiện tại của EU và cảnh báo về sự thiếu đoàn kết của khối. Một minh chứng rõ ràng nhất cho điều này là chương trình khẩn cấp được ban bố năm ngoái: hạn ngạch phân bổ tiếp nhận 160.000 người tị nạn. Nhóm Visegrad (còn gọi là V4, gồm 4 nước Trung Âu: Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia) phản đối hạn ngạch. V4 cho rằng, hạn ngạch bắt buộc không phải là giải pháp và không thể chấp nhận được.
Tại hội nghị thượng đỉnh của V4 diễn ra ở Ba Lan hồi tuần trước, Tổng thống Hungary Janos Ader nói rằng, giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư trước làn sóng tị nạn đổ về châu Âu không chỉ là trách nhiệm của EU, mà còn của tất cả các nước phát triển, trong đó có Mỹ, Canada, Úc, Trung Quốc.
Thực tế, cuộc khủng hoảng nhập cư được các nhà lãnh đạo EU bàn đi bàn lại tại các cuộc gặp thượng đỉnh nhưng đến nay giữa các nước vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Vấn đề khó thứ hai của EU là Brexit. Việc Anh bỏ phiếu rời EU đe dọa lổ hỗng lớn cho ngân sách của liên minh. Ước tính trong năm 2015, Anh đóng góp vào ngân sách của khối 10,4 tỷ USD.
Sự chú ý trong lúc này tập trung vào Thủ tướng Anh Theresa May. Cuộc họp ở Brussels được cho là ảm đạm đối với nhà lãnh đạo này khi bà có đường lối cứng rắn trong việc rời EU. Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, bà sẽ đề cập kế hoạch của mình, còn lại là lắng nghe, tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu về sự linh hoạt hơn để giữ mối quan hệ thương mại chặt chẽ với khối trong một thị trường duy nhất. “Cho đến lúc này, con tàu vẫn hướng đến một bức tường”, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của EU bày tỏ nghi ngại.
Hiện tại, EU từ chối tổ chức bất kỳ cuộc đàm phán không chính thức nào trước khi Thủ tướng Theresa May kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon về EU, bắt đầu tiến trình 2 năm để Anh rời khối này. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cảnh báo “Brexit khó khăn”, nghĩa là Anh có nguy cơ mất những lợi ích từ thị trường duy nhất, điều mà bà May không hề mong muốn.
Anh muốn EU tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho cả hai bên thời “hậu Brexit”. Còn EU đặt điều kiện Anh chỉ có quyền vào thị trường chung nếu chấp nhận quyền tự do đi lại, làm việc của công dân khối tại quốc gia này.
Theo đó, vấn đề thương mại sẽ là “chiến trường” lớn và “cuộc chiến” vốn gây nhiều tranh cãi này có thể kéo dài vài năm. “Brexit sẽ là thất bại cho tất cả chúng ta. Sẽ không có bánh ngọt nào trên bàn. Sẽ chỉ có muối và giấm”, ông Tusk nói.
Đó cũng là lý do vì sao sự chú ý hiện dồn về thỏa thuận thương mại và kinh tế toàn diện EU - Canada (CETA), dự kiến được ký kết vào cuối tháng 10. Hiện tại, người dân châu Âu phản đối CETA, cho rằng sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và mở đường cho một thỏa thuận tương tự với Mỹ: Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP).
Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, các nhà lãnh đạo EU cũng phải giải quyết vấn đề việc làm, hệ lụy từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Tỷ lệ thất nghiệp ở EU hiện vẫn cao. Theo Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), tháng 6-2016, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất ở Hy Lạp: 23,4%; Tây Ban Nha: 19,5%. Gần 21 triệu người thất nghiệp ở EU trong tháng 8, trong đó có 16,3 triệu người thuộc 19 nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu.
PHÚC NGUYÊN