Quốc tế
Chiến dịch ở Mosul: Cơ hội của Tổng thống Obama
Chiến dịch của lực lượng Iraq tái chiếm thành phố Mosul là cơ hội để Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố chiến thắng trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Iraq và bù đắp cho những thất bại ở Syria.
Lực lượng Iraq chiếm giữ một vị trí ở khu vực al-Shurah, phía nam Mosul. Ảnh: AFP |
Hãng AFP cho biết, chính phủ của Tổng thống Barack Obama đặc biệt lưu tâm đến chiến dịch ở Mosul, được chuẩn bị từ tháng 7 vừa qua và chính thức khởi động vào ngày 17-10. Quyết định của Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi về việc đưa quân rầm rộ tái chiếm Mosul nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ, cụ thể là của liên minh quốc tế do Washington dẫn đầu. Bởi lẽ, nếu chiến dịch thắng lợi sẽ là đòn giáng mạnh vào IS, lực lượng mà Washington đang ra sức đánh bại ở cả chiến trường Iraq lẫn Syria.
Những nỗ lực của Mỹ trong việc ngừng các cuộc không kích của Nga và Syria ở thành phố Aleppo không mang lại hiệu quả đáng kể nào. “Di sản” chính sách ở Trung Đông của Tổng thống Obama cũng không có gì sáng sủa khi ông sắp kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1 tới. Libya rơi vào khủng hoảng, Ai Cập do chính phủ quân sự nắm quyền, trong khi bất ổn vẫn xảy ra ở Yemen. Giữa lúc này, chiến dịch Mosul dường như là thông tin tốt lành cho Mỹ để tuyên bố chiến thắng IS tại Iraq. Hơn nữa, Nhà Trắng cũng hy vọng, nếu giành chiến thắng sẽ là cú hích của quân đội Iraq sau khi để Mosul rơi vào tay IS cách đây 2 năm.
Sau 2 năm và khoảng 5.634 cuộc không kích chống lại IS, Mosul vẫn là thành trì vững chắc của lực lượng này. Lầu Năm Góc cảnh báo, đây sẽ là chiến dịch khó khăn và mất nhiều thời gian, có thể kéo dài vài tuần hoặc thậm chí lâu hơn.
Trong lúc đó, các thăm dò dư luận cho thấy, người Mỹ đang lo ngại về khủng bố hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ “cơn ác mộng” 11-9-2001. Theo thăm dò của Time/Survey/Monkey đối với 5.478 người được công bố trong tháng này, 58% cho biết, khủng bố và an ninh quốc gia phải là 2 trong số 3 vấn đề ưu tiên hàng đầu của người kế nhiệm ông Obama. Ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump, cam kết sẽ loại bỏ IS. Ông cáo buộc Tổng thống Obama và ứng cử viên của đảng Dân chủ về việc rút binh sĩ Mỹ khỏi Iraq quá sớm, tạo ra khoảng trống cho lực lượng cực đoan phát triển.
Hiện tại, các lực lượng Iraq đã giành lại quyền kiểm soát 9 ngôi làng từ tay IS. Lầu Năm Góc khẳng định các lực lượng Iraq đang vượt trước kế hoạch của chiến dịch.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề khác được đặt ra. Một số giới chức ở Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia lo ngại, sự hiện diện của nhiều tay súng Shi’ite trong quân đội Iraq trong đợt tấn công lần này có thể kéo theo tình trạng bạo lực liên quan sắc tộc, bởi Mosul là nơi có đông đảo người Sunni sinh sống. AFP cho hay, tại London, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir khuyến cáo Riyadh thúc giục chính phủ Iraq không để các chiến binh Shi’ite tiến vào Mosul bởi lo ngại sẽ tạo nên “tội ác hàng loạt”.
Trả lời báo Die Welt (Đức) ngày 18-10, Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề an ninh Julian King cho rằng, việc chiếm lại Mosul có thể dẫn tới việc lực lượng IS quay lại châu Âu và chỉ cần một chiến binh IS lọt vào châu Âu thì đó cũng là mối đe dọa nghiêm trọng. “Việc giành lại Mosul, thành trì của IS nằm ở miền Bắc Iraq, có thể dẫn đến việc các tay súng IS trở lại châu Âu”, ông King nói.
Nếu Mosul trở về dưới sự kiểm soát của chính phủ Iraq, Raqa ở Syria sẽ là thành trì lớn nhất của IS.
Hãng AFP dẫn lời Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết, ngày 20-10, Paris sẽ chủ trì hội nghị quốc tế bàn về tương lai của Mosul. Song, Iran - vốn có ảnh hưởng ở khu vực - không được mời tham dự sự kiện này. Hiện tại, một số nước như Iran, Úc, New Zealand cam kết hỗ trợ Iraq giải phóng Mosul. Ngoại trưởng Pháp nói rằng, liên minh quốc tế chống IS cũng có trách nhiệm trong việc chiếm lại Raqa, một thành trì lớn của IS ở Syria. |
BÌNH YÊN