Quốc tế
Chờ giải pháp mới cho Syria
New Zealand, một trong 10 thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ), đã trình dự thảo nghị quyết yêu cầu chấm dứt các cuộc không kích ở thành phố Aleppo của Syria.
Cuộc không kích ngày 12-10 để lại những đống đổ nát ở quận Fardous, thành phố Aleppo. Ảnh: AFP |
Hãng AFP cho biết, các thành viên HĐBA sẽ bàn thảo về cuộc khủng hoảng ở Syria trong bữa ăn trưa 13-10 (giờ New York, Mỹ) với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon trước thềm phiên họp mới của cơ quan này vào ngày 17-10 tới.
Đề xuất mới của New Zealand được đưa ra sau khi cả hai dự thảo nghị quyết do Pháp và Nga soạn thảo đều thất bại, do vấp phải sự phủ quyết tại HĐBA hồi cuối tuần qua. Theo AFP, dự thảo của New Zealand yêu cầu “chấm dứt ngay lập tức tất cả các cuộc tấn công có thể dẫn đến thương vong cho dân thường hoặc gây thiệt hại cho các mục tiêu dân sự ở Syria, nhất là các cuộc không kích ở Aleppo”. Đại sứ New Zealand Gerard van Bohemen bày tỏ tin tưởng HĐBA sẽ có trách nhiệm “giải quyết vấn đề lớn nhất” trong chương trình nghị sự của mình.
Trong lúc này, Canada cũng đang thúc đẩy những nỗ lực của quốc tế sau khi thỏa thuận ngừng bắn do Nga và Mỹ làm trung gian sụp đổ, đồng thời HĐBA đến nay không đưa ra được giải pháp gì cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Phó Đại sứ Canada Michael Grant nói với AFP rằng, phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng LHQ vào tuần tới sẽ cho phép các thành viên bày tỏ sự lo lắng về những gì đang xảy ra ở Syria và việc thiếu phản ứng phù hợp của cộng đồng quốc tế cũng như của LHQ. Thực tế, phiên họp được kỳ vọng sẽ mang lại thêm các giải pháp, trong lúc Nga và Mỹ đang nối lại các cuộc đàm phán quốc tế ở châu Âu vào cuối tuần này để một lần nữa tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn chấm dứt chiến dịch không kích ở Aleppo.
Tình trạng bạo lực ở Syria đang trở nên nghiêm trọng nhất trong cuộc nội chiến hiện bước vào năm thứ 6. Chính phủ Syria và Nga đang theo đuổi chiến dịch tấn công nhằm giành lại quyền kiểm soát Aleppo. Nhiều vụ không kích dữ dội đã xảy ra ở thành phố này, mới nhất là vụ việc ngày 12-10 làm ít nhất 25 người chết. Phương Tây cáo buộc Nga gây “tội ác chiến tranh” bằng chiến dịch không kích. Tuy nhiên, Nga bác bỏ cáo buộc này. Mátxcơva và Washington “đóng băng” các cuộc đối thoại, đổ lỗi cho nhau xung quanh thỏa thuận ngừng bắn sụp đổ. Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố chính Mỹ đã làm hỏng thỏa thuận ngừng bắn. Theo ông, Mátxcơva nhiều lần yêu cầu trước hết cần phân biệt rõ lực lượng khủng bố với phe đối lập ôn hòa ở Syria, sau đó mới tuyên bố lệnh ngừng bắn nhưng phía Mỹ muốn làm ngược lại.
Một động thái được cho là tín hiệu mới đối với Syria, đó là việc Nga đang thúc đẩy trở lại nỗ lực ngoại giao với Mỹ bằng hai cuộc đàm phán ở Lausanne (Thụy Sĩ) ngày 15-10 và tại London (Anh) ngày 16-10. Theo đó, tại Lausanne, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ thương thảo cùng Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và những người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qatar - những nước ủng hộ lực lượng đối lập ở Syria.
Tuy nhiên, không bên nào xác nhận có mời Iran hay không. Tehran là đối tác then chốt trong cuộc xung đột và là đồng minh của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Tại London, ông Kerry sẽ gặp gỡ những người đồng cấp châu Âu đến từ Anh, Pháp và Đức. Cả hai cuộc gặp sẽ tập trung “cách tiếp cận đa phương nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria, gồm giảm thiểu bạo lực một cách bền vững và nối lại viện trợ nhân đạo”.
LHQ cho hay, Đại sứ của cơ quan này tại Syria, ông Staffan de Mistura, được mời dự các cuộc đàm phán nhưng một người phát ngôn không khẳng định việc nhà ngoại giao này có tham dự hay không.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn CNN, Ngoại trưởng Sergei Lavrov hy vọng các cuộc đàm phán tại Thụy Sĩ có thể “khởi động một đối thoại nghiêm túc” dựa trên thỏa thuận “chết yểu” giữa Nga và Mỹ.
PHÚC NGUYÊN