Quốc tế

Đàm phán về Syria vẫn bế tắc

08:11, 17/10/2016 (GMT+7)

Đàm phán do Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chủ trì ở thành phố Lausanne của Thụy Sĩ vào tối 15-10 đã kết thúc mà không có bất kỳ sự đột phá nào để chấm dứt cuộc xung đột ở Syria.

Các quan chức Mỹ, Nga, Syria, Ai Cập, Qatar, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Liên Hợp Quốc nhóm họp ở Lausanne (Thụy Sĩ).                  Ảnh: AFP
Các quan chức Mỹ, Nga, Syria, Ai Cập, Qatar, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Liên Hợp Quốc nhóm họp ở Lausanne (Thụy Sĩ). Ảnh: AFP

Ngoại trưởng John Kerry đang tìm kiếm con đường hòa bình mới sau sự đổ vỡ của thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và Nga hậu thuẫn, vốn được xem là hy vọng cuối cùng để thúc đẩy hòa bình ở Syria trong năm nay. Ông Kerry đã chủ trì đàm phán với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và 7 Ngoại trưởng đến từ Iran, Iraq, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Jordan, Ai Cập.

Phát biểu với báo giới, ông Kerry nói rằng, các bên đồng thuận trong một số vấn đề và đưa ra những ý tưởng mới để khôi phục thỏa thuận ngừng bắn nhưng vẫn còn những căng thẳng chưa thể tháo gỡ. Cũng theo ông Kerry, còn quá sớm để tiết lộ đó là những ý tưởng gì và các bên quyết định kéo dài cuộc tiếp xúc vào ngày 17-10. Song, Reuters cho biết, trước đó, chính Ngoại trưởng Lavrov cũng “không kỳ vọng đặc biệt” vào cuộc họp tối 15-10. Không có cuộc họp báo và cũng không có tuyên bố chung nào được đưa ra.

Các đại diện châu Âu không có mặt tại sự kiện nói trên. Bộ Ngoại giao Pháp xác nhận, ông Kerry và các nhà ngoại giao châu Âu nhóm họp tại London (Anh) vào ngày 16-10 (giờ địa phương) để bàn thảo về vấn đề Syria. Lần họp riêng rẽ này do Ngoại trưởng Anh Boris Johnson chủ trì, với sự tham dự của các Ngoại trưởng Mỹ, Pháp và Đức. Ông Kerry sẽ không mang đến London một bản kế hoạch hòa bình mới và chi tiết, thay vào đó là “những ý tưởng mới”.

Song, kết quả mờ nhạt tại Lausanne cho thấy thế giới chưa thể tìm ra con đường hòa bình để kết thúc cuộc xung đột ở Syria vốn làm hơn 300.000 người chết, đồng thời góp phần làm nên khủng hoảng tị nạn chưa từng có của châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ hai và tạo ra không gian lớn bất ổn để tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tận dụng.

Đề cập những nỗ lực ngoại giao mới, ông Kerry nói: “Không ai muốn làm điều này một cách cẩu thả”. Nỗ lực ngoại giao mới hiện không gói gọn giữa Mỹ và Nga mà có sự tham gia của các đối tác quốc tế - các quốc gia có liên quan nhiều nhất đến tình hình Syria.

Những cuộc không kích của chính phủ Syria và lực lượng Nga nhằm giành lại quyền kiểm soát thành phố Aleppo hồi tháng 9 vừa qua được cho là đã hủy hoại thỏa thuận song phương giữa Washington và Mátxcơva về vấn đề Syria. Tuần trước, ông Kerry thậm chí cáo buộc Nga phạm “tội ác chiến tranh” khi tấn công các bệnh viện và cơ sở hạ tầng ở thành phố này. Tuy nhiên, Nga bác bỏ mọi cáo buộc. Mátxcơva và Damascus nói rằng, họ chỉ nhằm vào mục tiêu các chiến binh ở Aleppo; đồng thời chỉ trích Washington đã phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn khi đánh bom vào binh sĩ Syria đang chống IS.

Tình hình khẩn cấp ở Aleppo kể từ ngày 22-9 đến nay với hơn 370 người chết, trong đó có gần 70 trẻ em, đặt ra yêu cầu cấp thiết về một kế hoạch hòa bình. Tuy nhiên, các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong những mục tiêu như giảm bạo lực, cung cấp viện trợ nhân đạo và trở lại đối thoại chính trị. Ông Abdal Ahad Stefo, Phó Chủ tịch Liên minh Dân tộc có trụ sở ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) - phe đối lập chính ở Syria - cho rằng đàm phán sẽ chỉ làm lãng phí thời gian và càng làm người dân Syria đổ máu nhiều hơn.

Các nhà quan sát cho rằng, đàm phán ở Lausanne không đạt được tiến triển bởi có sự chia rẽ ngay trong chính các đối tác tham gia nghị sự. Chẳng hạn, quân đội Iran hiện ủng hộ lực lượng Syria, trong khi Saudi Arabia ủng hộ lực lượng đối lập. Ngoại trưởng Kerry kêu gọi một lộ trình mới cho lệnh ngừng bắn và chuyển tiếp chính trị ở Syria nhưng thực tế đây là một tiến trình rất dài. Nga muốn duy trì quyền lực của Tổng thống Assad trong bất kỳ thỏa thuận nào nhưng Mỹ và các nhóm đối lập liên kết ở Syria không muốn như vậy…

Vì vậy, “cách tiếp cận đa phương” để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria xem ra chưa mang lại hiệu quả. Các quốc gia chưa thể “vượt qua những khác biệt xung quanh cách thức chấm dứt cuộc chiến Syria”, như mong muốn của người vừa được bầu làm Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres. Bạo lực vẫn tiếp diễn và người dân ở Aleppo vẫn mỏi mòn chờ viện trợ.

VĨNH AN

.