.

EU không thỏa hiệp về lộ trình Brexit

.

Tại cuộc họp thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) hai ngày đầu tiên với tư cách Thủ tướng Anh của bà Theresa May ở Brussels (Bỉ), Tổng thống Pháp Francois Hollande cảnh báo, bà May sẽ phải đối mặt với sự cương quyết của EU nếu vẫn theo đuổi kịch bản “Brexit cứng”

Các nhà lãnh đạo gặp gỡ tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels.                  Ảnh: Reuters
Các nhà lãnh đạo gặp gỡ tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels. Ảnh: Reuters

Tại hội nghị này, bà May thông báo vắn tắt với các quốc gia thành viên EU về lộ trình Anh rời khối. Tuy nhiên, lãnh đạo các quốc gia thành viên khác vẫn cảm thấy còn quá nhiều điều không chắc chắn về cuộc “chia tay” này vì Anh đến nay vẫn chưa chịu kích hoạt khoảng thời gian 2 năm cần thiết để thương thuyết kế hoạch Brexit. Bà May vẫn khẳng định sẽ chỉ làm điều đó vào cuối tháng 3-2017.

Thủ tướng Anh khẳng định: “Vì lợi ích của nước Anh và EU, chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau”. Song, bà May đã gây phản ứng mạnh mẽ sau khi cam kết sẽ vừa bảo đảm việc hạn chế người nhập cư, vừa tìm kiếm “tự do tối đa” trong hoạt động tại thị trường đơn nhất của EU, trong khi đây là hai vấn đề mà những lãnh đạo ở Brussels cho rằng không thể song song tồn tại.

Tổng thống Pháp Francois Hollande nhắc lại với bà May rằng, EU sẽ không hy sinh những giá trị cốt lõi của khối chỉ để giữ nước Anh làm một đồng minh thân thiết trong tương lai. Ông Holland nói: “Tôi đã nói điều này rất rõ ràng: Bà Theresa May muốn có một quá trình Brexit khó khăn ư? Vậy thì các cuộc đàm phán sẽ rất khó khăn”. Ông chủ Điện Elysée nhấn mạnh nếu bà May muốn “đoạn tuyệt” với EU theo kịch bản “Brexit cứng” tức là Anh sẽ không ra đi êm thấm.

Đồng tình với quan điểm của ông Holland, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhắc lại: “Trên thực tế, đó sẽ là một lộ trình rất gian nan”.

Kết quả cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6 của Anh vừa qua đã buộc 27 quốc gia thành viên EU phải lên kế hoạch cho tương lai của họ trong bối cảnh không còn Anh trong “ngôi nhà chung” nữa. Tuy nhiên, khi mọi thứ đã “hai năm rõ mười” thì các nhà lãnh đạo châu Âu lại phàn nàn về việc Anh quá chậm chạp trong việc khởi động quá trình đàm phán kế hoạch rời khối.

Bà Merkel cho biết, các nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh vấn đề bức thiết của việc này và sẽ “nói lại cho rõ lần nữa rằng: Chúng tôi đang chờ thông báo từ nước Anh”.

Tháng trước, 27 nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên EU đã có cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của họ tại thủ đô Bratislava của Slovakia mà không có Anh. Vì lẽ đó, giờ đây, bà May chất vấn về tính hợp lệ của những quyết định đã được đưa ra trong lần đó khi không có sự tham gia của bà. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tỏ ra mềm mỏng nhưng cũng rất kiên quyết. Ông khẳng định: “Chúng tôi có quyền và cũng có nghĩa vụ về mặt pháp lý để nhóm họp 27 quốc gia nhằm thảo luận chiến lược của chúng tôi. Đó không phải là lựa chọn của chúng tôi. Nếu bà hỏi tôi thì tôi muốn có 28 quốc gia thành viên hơn, không chỉ trong tháng tới mà còn trong những năm tới, những thập niên tới”.

Một khi bà May kích hoạt điều 50 trong Hiệp ước Lisbon về EU để chính thức khởi động quá trình rời khối, các cuộc thương thuyết liên quan sẽ kéo dài 2 năm. Khung thời gian thương thuyết có thể được nới thêm nhưng điều này chỉ xảy ra trong trường hợp cả 27 quốc gia thành viên còn lại đều nhất trí.

Bà May cho biết, nước Anh sẽ vẫn là một thành viên trách nhiệm ngay sau khi nước này rời EU. Bà nói: “Tôi có mặt ở đây với một thông điệp rất rõ ràng. Nước Anh sẽ rời EU nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục đóng một vai trò toàn diện cho tới khi chúng tôi rời khối”. Thực tế, Anh mong muốn khi rời EU vẫn tiếp cận được thị trường châu Âu và hạn chế dòng người lao động từ EU tràn vào nước này.

Cũng giống như Tổng thống Hollande, ông Donald Tusk tuần trước tuyên bố sẽ không thỏa hiệp những nguyên tắc cốt lõi của khối trong quá trình đàm phán Brexit. Ông Tusk cho biết, sẽ không có bất kỳ cuộc đàm phán nào trước khi Anh kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon, đồng thời cảnh báo London sẽ phải đối mặt với một cuộc ra đi không dễ dàng.

Vị Chủ tịch Hội đồng châu Âu nhắc lại quan điểm nước Anh không nên hy vọng về việc vừa có thể hạn chế người nhập cư, lại vừa được hưởng những điểm ưu việt của một thị trường thống nhất như EU, và đương nhiên sẽ không có bất cứ thỏa hiệp nào trong vấn đề này.

Về phía Anh, bà May tỏ ý chính phủ của bà sẽ ưu tiên kiểm soát vấn đề nhập cư hơn cơ hội được tiếp cận thị trường châu Âu. Đây rõ ràng chính là cách tiếp cận vấn đề vẫn được gọi là “Brexit cứng”. Ngày 20-10, Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz cho rằng, các quyền tự do cơ bản của EU là điều “không thể tách rời”.

Cũng trong ngày 21-10, bà May có cuộc đối thoại song phương lần đầu tiên với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.