.

Giải pháp cho khủng hoảng Syria: Vẫn là bài toán khó

.

Các dự thảo nghị quyết của Pháp và Nga về cuộc khủng hoảng Syria đều bị phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ). Các cường quốc hiện vẫn chia rẽ xung quanh một giải pháp nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở quốc gia Trung Đông này.

Đại sứ Nga Vitaly Churkin cùng Đại sứ Venezuela Rafael Ramirez phản đối dự thảo nghị quyết do Pháp soạn thảo. 	                       Ảnh: AFP
Đại sứ Nga Vitaly Churkin cùng Đại sứ Venezuela Rafael Ramirez phản đối dự thảo nghị quyết do Pháp soạn thảo. Ảnh: AFP

Là một trong 5 thành viên có quyền phủ quyết, Nga đã bác dự thảo nghị quyết của Pháp, trong đó đề nghị chấm dứt ngay lập tức chiến dịch ném bom do chính phủ Damascus và Mátxcơva thực hiện ở thành phố Aleppo, tạo điều kiện cung cấp viện trợ nhân đạo. Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin, người đang giữ chức Chủ tịch luân phiên HĐBA, gọi đây là cuộc bỏ phiếu kỳ lạ bởi khi nhóm họp, các thành viên đều biết sẽ thất bại. “Sự lãng phí thời gian là không thể chấp nhận được”, ông Churkin nói.

Theo AFP, cuộc bỏ phiếu phản ánh sự chia rẽ sâu sắc trong cơ quan quyền lực nhất của LHQ, vốn có trách nhiệm bảo đảm hòa bình và an ninh quốc tế nhưng lại thất bại trong hành động nhằm chấm dứt cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ 6 ở Syria. Dự thảo nghị quyết do Pháp soạn thảo nhận được 11 phiếu ủng hộ, 2 phiếu chống của Nga và Venezuela, 2 phiếu trắng của Trung Quốc và Angola. Đây là lần thứ năm Nga bác bỏ dự thảo nghị quyết của phương Tây liên quan đến cuộc khủng hoảng Syria. Lý do được Mátxcơva đưa ra là có một số điểm “không thể chấp nhận được” vì Pháp đã chính trị hóa vấn đề viện trợ nhân đạo.

Đến lượt dự thảo nghị quyết của Nga thất bại do nhận đến 9 phiếu chống, trong đó có 3 phiếu phủ quyết của Pháp, Anh và Mỹ; 2 phiếu trắng của Angola và Uruguay; 4 phiếu thuận của Nga, Trung Quốc, Ai Cập và Venezuela. Bản dự thảo này thúc giục lệnh ngừng bắn nhưng không đề cập việc chấm dứt chiến dịch không kích.

Cả hai giải pháp nói trên đều thất bại, gây chia rẽ trong HĐBA giữa Nga - đồng minh của Syria và các cường quốc phương Tây vốn ủng hộ lực lượng nổi dậy đối lập trong cuộc nội chiến. Vì vậy, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault thúc giục HĐBA hành động ngay lập tức để cứu Aleppo. Ông Ayrault cảnh báo, chiến dịch ném bom vẫn tiếp tục diễn ra ở Aleppo, làm dân thường thiệt mạng, đồng thời phá hủy các bệnh viện và trường học. “Đó là sự hủy diệt của Aleppo”, ông Ayrault nói và cho rằng, tiếp tục ném bom sẽ khiến thành phố này còn lại trong đống đổ nát.

Đại sứ Anh Matthew Rycroft mô tả ngày bỏ phiếu là “ngày xấu đối với Nga, thậm chí là ngày tồi tệ đối với người dân Aleppo”. Khi Đại sứ Syria tại LHQ Bashar Ja’afari bắt đầu phát biểu sau cuộc bỏ phiếu, nhiều đại sứ đã bỏ ra ngoài, trong đó có các đại diện Anh, Pháp, Ukraine và Mỹ.

Tuy nhiên, sau cuộc họp, Đại sứ Nga Vitaly Churkin khẳng định, những nỗ lực ngoại giao trong vấn đề Syria không chết, những nỗ lực ngoại giao đa phương và song phương vẫn được tiếp tục. “Đây chỉ kết thúc một cuộc họp rất kỳ lạ của HĐBA”, ông Churkin nói.

Trong khi đó, dù không hài lòng với kết quả bỏ phiếu, nhưng Ngoại trưởng Ayrault khẳng định sẽ tiếp tục đàm phán với Nga để tìm giải pháp hữu hiệu. Ông Ayrault nhấn mạnh Pháp sẽ “không bao giờ cắt đứt đối thoại với Nga” và cho biết Paris sẽ cân nhắc các lựa chọn khác nhau cũng như tiếp tục tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria.

Trong vấn đề Syria, một cuộc đối đầu không thể không nhắc đến là giữa Nga và Mỹ bởi đến nay, hai cường quốc này vẫn không tìm được sự đồng thuận. AFP dẫn lời Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cảnh báo, căng thẳng giữa Mátxcơva và Washington xung quanh cuộc xung đột đã tạo ra tình thế “nguy hiểm hơn cả” thời Chiến tranh Lạnh. Theo ông, cả Nga lẫn Mỹ cần tiếp tục đối thoại nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng Syria. Tuy nhiên, việc thu hẹp bất đồng, xây dựng niềm tin giữa Nga với các cường quốc phương Tây là điều khó khăn. Vì vậy, người dân Aleppo vẫn mỏi mòn chờ hỗ trợ nhân đạo, cung cấp thuốc men và một lệnh ngừng bắn được duy trì hay hòa bình ở Syria vẫn là điều xa vời.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.