Ngày 27-10, Ủy ban thứ nhất về giải trừ quân bị của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua dự thảo nghị quyết nhằm khởi động đàm phán về hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân mới, bất chấp sự phản đối quyết liệt từ các cường quốc hạt nhân trên thế giới.
Liên Hợp Quốc thông qua dự thảo nghị quyết với 123 phiếu thuận, 38 phiếu chống và 16 phiếu trắng. Ảnh: AFP |
Theo AFP, dự thảo - do Áo, Ireland, Mexico, Nigeria, Nam Phi và Brazil soạn thảo - đã được thông qua với 123 phiếu thuận, 38 phiếu chống và 16 phiếu trắng. Trước đó, các cường quốc hạt nhân đã vận động hành lang trong nhiều tuần nhằm chống lại dự thảo này.
Nghị quyết không có tính ràng buộc nói trên bày tỏ quan ngại sâu sắc về “các hậu quả nhân đạo thảm khốc của việc sử dụng vũ khí hạt nhân”. Theo đó, từ tháng 3-2017, các quốc gia có thể bắt đầu đàm phán về việc cấm vũ khí hạt nhân.
4/5 cường quốc hạt nhân thuộc Ủy ban An ninh Liên Hợp Quốc (gồm Anh, Pháp, Nga và Mỹ) bỏ phiếu chống; trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan bỏ phiếu trắng. Nhật Bản, quốc gia từ lâu đã vận động chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân, bỏ phiếu chống. Hàn Quốc cũng có lựa chọn tương tự dù đang đối mặt với mối đe dọa hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên.
Những người phản đối cho rằng việc giải trừ hạt nhân cần phải được giải quyết trong vòng đàm phán về Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Dự kiến dự thảo nghị quyết này sẽ được đưa ra phiên họp toàn thể của Đại hội đồng LHQ vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 tới.
KHANG NINH