Lần đầu tiên trong 25 năm Mỹ bỏ phiếu trắng nghị quyết lên án lệnh cấm vận kinh tế của Washington đối với Cuba. Động thái này sẽ gây sức ép để Quốc hội Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận Cuba.
Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ Chủ tịch Cuba Raul Castro vào tháng 9-2015 tại trụ sở Liên Hợp Quốc. Ảnh: AP |
Hãng AP cho biết, động thái của Mỹ diễn ra tại phiên họp toàn thể ngày 26-10 (giờ New York) của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khóa 71. Mỹ cùng Israel vốn trước đó luôn phản đối nghị quyết này thì nay đã bỏ phiếu trắng. Theo đó, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết với tỷ lệ áp đảo: 191 phiếu thuận, 0 phiếu chống và 2 phiếu trắng. Khi kết quả được thể hiện trên bảng điện tử, các nhà ngoại giao từ 193 quốc gia thành viên LHQ đã vỗ tay.
Ngay trước lúc bỏ phiếu, Đại sứ Mỹ Samantha Power thông báo về việc bỏ phiếu trắng. Theo bà, chính sách cô lập của Mỹ đối với Cuba đã cô lập Washington, ngay cả khi ở LHQ. “Sau 55 năm theo đuổi con đường cô lập, chúng tôi đang lựa chọn con đường hội nhập”, bà nói. Các nhà quan sát cho rằng, đây chính là thông điệp của chính phủ Mỹ gửi đến Quốc hội lưỡng viện vốn đang còn nhiều chia rẽ xung quanh việc dỡ bỏ lệnh cấm vận Cuba.
Việc Mỹ thay đổi quyết định về lá phiếu của mình diễn ra sau khi Tổng thống Barack Obama khôi phục ngoại giao toàn diện với Cuba và ủng hộ dỡ bỏ lệnh cấm vận. Ngày 17-12-2014, ông Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro tuyên bố bình thường hóa quan hệ, khép lại hơn nửa thế kỷ thù địch và đánh dấu quan điểm đổi thay của Mỹ về di sản đã lỗi thời trong quá khứ. Ngày 20-7-2015, quan hệ ngoại giao giữa hai nước được khôi phục và các đại sứ quán cũng được mở cửa trở lại ở mỗi bên.
Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Obama có chuyến thăm lịch sử đến Cuba, đánh dấu một dấu mốc quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ song phương. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng đã có những cuộc gặp gỡ tại các diễn đàn quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề nghiêm trọng chưa được tháo gỡ.
Theo AP, việc Mỹ bỏ phiếu trắng tại Đại hội đồng LHQ chắc chắn sẽ khiến những người chống đối ở cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa tức giận. Song, điều này phản ánh niềm tin rằng, trước lúc ông Obama rời nhiệm sở sẽ thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Cuba.
Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez nói rằng, quốc đảo Caribe này rất “biết ơn” những nỗ lực cũng như những phát biểu của Đại sứ Power, đồng thời cảm ơn bà về lá phiếu trắng. “Sự thay đổi trong lá phiếu của Mỹ là tín hiệu đầy hứa hẹn”, ông Rodriguez bày tỏ. Ông cũng nói thêm: “Chúng tôi hy vọng điều này sẽ được phản ánh trong thực tế”.
Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ không mang tính ràng buộc nhưng có ý nghĩa về mặt chính trị, phản ánh quan điểm của thế giới và mang lại cho Cuba vị thế trên toàn cầu trong việc chống lại sự cô lập của Mỹ.
Trước lúc bỏ phiếu, hơn 20 quốc gia trên thế giới đã chỉ trích lệnh cấm vận và thúc giục Quốc hội Mỹ nhanh chóng dỡ bỏ lệnh này. Thực ra, chính phủ Mỹ đã xem xét việc bỏ phiếu trắng từ cuối tháng 10 năm ngoái nhưng sau đó kết luận không thể làm như vậy bởi nghị quyết của Đại hội đồng LHQ không phản ánh những gì được cho là tinh thần làm việc giữa Tổng thống Obama và Chủ tịch Raul Castro. Bà Powe cũng cho biết, Mỹ đã bác bỏ các tuyên bố trong nghị quyết rằng, lệnh cấm vận vi phạm luật quốc tế. Theo bà, việc bỏ phiếu trắng “không đồng nghĩa Mỹ thống nhất với tất cả chính sách và hoạt động của chính phủ Cuba”.
PHÚC NGUYÊN