Nhật Bản có thể đẩy nhanh khoảng 1 tỷ USD trong tổng chi tiêu dự tính để nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo nhằm ứng phó với khả năng CHDCND Triều Tiên triển khai một tên lửa tầm trung mạnh hơn sau các vụ thử tên lửa gần đây.
Theo Reuters, số tiền nói trên nằm trong đề xuất ngân sách quốc phòng cho năm tài chính tiếp theo (từ tháng 4-2017), bao gồm chi phí đánh giá lớp phòng thủ tên lửa đạn đạo mới (có thể là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) hoặc Aegis Ashore, phiên bản mặt đất của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo được các tàu chiến trên Biển Nhật Bản sử dụng). Ngoài ra, khoản tiền cũng sẽ được dùng để cải thiện phạm vi và độ chính xác của hệ thống tên lửa PAC-3 Patriot.
Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết, sẽ mất nhiều năm để thực hiện các nâng cấp trên. Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi và Công ty Raytheon sẽ phải đẩy nhanh tiến độ trong một lịch trình sản xuất vốn rất chặt chẽ.
Trước đó, tờ Sankei cho biết, đợt bổ sung ngân sách thứ 3 sẽ bao gồm 300 tỷ yen (2,9 tỷ USD) dành cho ngân sách quốc phòng.
Nhật Bản và CHDCND Triều Tiên tham gia cuộc chạy đua vũ trang trong hai thập niên kể từ năm 1998, khi Bình Nhưỡng bắn một tên lửa đạn đạo ngang qua Nhật Bản. Một chỉ huy quân sự cấp cao Nhật Bản cho biết, các tiến bộ công nghệ về tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng diễn ra nhanh hơn dự đoán, làm gia tăng mối đe dọa đối với Tokyo.
Chỉ riêng trong năm nay, CHDCND Triều Tiên đã thử bắn ít nhất 21 tên lửa đạn đạo và tiến hành 2 vụ thử hạt nhân. Ngày 22-6, tên lửa Musudan tầm trung đã đạt được độ cao 1.000km, có tiềm năng vượt qua phạm vi của tên lửa SM-3 được trang bị cho tàu khu trục Aegis Nhật Bản. Nhật Bản hiện đang hợp tác với Mỹ để phát triển phiên bản SM-3 mới và mạnh hơn.
KHANG NINH