Ủy ban Nobel Na Uy ngày 7-10 quyết định trao giải thưởng Nobel Hòa bình 2016 cho Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos vì những nỗ lực không ngừng của ông trong hành trình tìm kiếm giải pháp và chấm dứt thành công cuộc nội chiến kéo dài hơn nửa thế kỷ tại quốc gia Nam Mỹ này.
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (trái), bắt tay thủ lĩnh lực lượng nổi dậy Timochenko tại Cartagena. Ảnh: Reuters |
Trong phỏng đoán về giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay, nhiều người đã nghĩ rằng, giải thưởng sẽ thuộc về Tổng thống Juan Manuel Santos. Tuy nhiên, sau kết quả trưng cầu dân ý gây sốc với việc người dân Colombia phản đối thỏa thuận hòa bình lịch sử, nhiều người lại không nghĩ Tổng thống Santos còn cơ hội giành giải. Chính Viện Nghiên cứu hòa bình Na Uy cũng đã gạt bỏ khả năng này.
Bất chấp việc người dân Colombia bỏ phiếu không đồng ý thỏa thuận lịch sử giữa chính phủ nước này và lực lượng nổi dậy FARC, Ủy ban Nobel Na Uy vẫn công nhận những đóng góp to lớn không thể phủ nhận của Tổng thống Santos trong quá trình chấm dứt cuộc chiến kéo dài hơn 50 năm khiến ít nhất 220.000 người Colombia thiệt mạng và gần 6 triệu người phải rời bỏ quê nhà. Đây là một trong những cuộc nội chiến dài nhất trong lịch sử hiện đại và cũng là cuộc xung đột vũ trang còn lại duy nhất tại châu Mỹ.
Thông cáo của Ủy ban Nobel ghi rõ: “Giải thưởng cũng được xem như dành để tôn vinh nhân dân Colombia - những người bất chấp những khổ đau và những khốc liệt, vẫn không từ bỏ hy vọng về một nền hòa bình chính đáng - và với tất cả những bên đã đóng góp vào quá trình hòa bình ấy”.
Tổng thống Santos là người khởi động những cuộc đàm phán mà kết quả đỉnh cao của nó chính là thỏa thuận hòa bình giữa chính phủ Colombia và phong trào nổi dậy FARC. Ông cũng không ngừng tìm kiếm giải pháp để thúc đẩy tiến trình hòa bình diễn ra nhanh hơn.
Hiểu rất rõ rằng thỏa thuận với phong trào nổi dậy FARC sẽ gây tranh cãi, ông Santos đã đóng vai trò chính trong việc bảo đảm mọi cử tri Colombia đều có thể nêu quan điểm về thỏa thuận hòa bình lịch sử này trong một cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý dân. Tuy nhiên, kết quả bỏ phiếu không phải là điều Tổng thống Santos mong muốn. Có một tỷ lệ phiếu lớn hơn (dù không nhiều) trong hơn 13 triệu người Colombia bỏ phiếu đã nói “không” với thỏa thuận. Kết quả này tạo ra sự không chắc chắn rất lớn với tương lai của Colombia. Có một nguy cơ thực tế là tiến trình hòa bình tại Colombia sẽ bị ngừng và cuộc nội chiến có thể bùng phát trở lại. Điều này khiến vai trò của các bên, cụ thể là Tổng thống Santos và lãnh đạo lực lượng du kích FARC Rodrigo Londoño, càng trở nên quan trọng hơn nữa trong việc tôn trọng thỏa thuận ngừng bắn.
Thực tế, việc số đông hơn cử tri Colombia phản đối thỏa thuận hòa bình không hẳn có nghĩa là tiến trình hòa bình đã chết. Cuộc trưng cầu ý dân không phải là cuộc bỏ phiếu cho vấn đề ủng hộ hay phản đối hòa bình. Điều mà những người nói “không” phản đối không phải là ước vọng hòa bình, mà chính là nội dung của thỏa thuận. Do đó, Ủy ban Nobel Na Uy đã khẳng định tầm quan trọng là việc Tổng thống Santos có thể mời tất cả các bên đối lập ngồi lại trong một cuộc đối thoại cấp quốc gia để có thể xúc tiến tiến trình hòa bình cho toàn dân tộc. Ngay cả những người phản đối thỏa thuận cũng hoan nghênh cuộc đối thoại này. Từ đó, Ủy ban Nobel kỳ vọng tất cả các bên sẽ có phần trách nhiệm và tham gia tích cực trong các cuộc đàm phán hòa bình thời gian tới.
Với việc trao giải Nobel Hòa bình cho Tổng thống Santos, Ủy ban Nobel Na Uy cũng mong muốn cổ vũ tất cả những ai đang nỗ lực đấu tranh để đạt được một nền hòa bình, hòa giải và công lý như ở Colombia. Chính Tổng thống Santos từng bày tỏ quan điểm rất rõ rằng, ông sẽ tiếp tục đấu tranh vì nền hòa bình của dân tộc cho tới ngày cuối cùng còn tại nhiệm. Ủy ban Nobel hy vọng giải thưởng Nobel Hòa bình sẽ tiếp thêm cho ông sức mạnh để có thể thành công trong nhiệm vụ nhiều thử thách này.
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos sẽ được nhận giải thưởng trị giá 8 triệu kronor Thụy Điển (tương đương 924.000 USD). Giải Nobel Hòa bình là giải thưởng duy nhất trong 6 giải thưởng Nobel được công bố tại Na Uy. Người sáng lập giải, nhà bác học Alfred Nobel muốn như vậy vì Na Uy và Thụy Điển từng cùng thuộc một liên minh. |
TRẦN ĐẮC LUÂN