Quốc tế

Philippines xích lại gần hơn với Nhật Bản

08:10, 26/10/2016 (GMT+7)

Chuyến công du Nhật Bản của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte được cho là dịp để Manila thúc đẩy hợp tác an ninh với Tokyo.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thăm Nhật Bản trong 3 ngày.                                        Ảnh: AP
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thăm Nhật Bản trong 3 ngày. Ảnh: AP

Tối 25-10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đến Nhật Bản, bắt đầu chuyến công du trong 3 ngày. Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Nhật Bản kể từ khi ông Duterte nhậm chức hồi tháng 6 vừa qua.
Hãng AP cho biết, giới chức Nhật Bản tỏ ra thận trọng trước chuyến công du của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Theo các nhà ngoại giao và các lãnh đạo chính trị Nhật Bản, vấn đề chính được quan tâm là chính sách đối ngoại của ông Duterte đối với Washington và Tokyo có thể giúp hàn gắn mối quan hệ này như thế nào.

Nhật Bản là đồng minh lớn của Mỹ. Trong thời gian qua, Tokyo đã chứng kiến mối quan hệ giữa Washington và Manila ít nhiều rạn nứt vì những phát biểu và quan điểm “chia tách” khỏi Mỹ của Tổng thống Duterte. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cũng cho rằng, những phát biểu của nhà lãnh đạo Philippines gây quan ngại. Trao đổi với báo giới, ông Kishida cho biết sẽ trao đổi với ông Duterte về ý định thật sự của vị tổng thống này khi cả hai dùng bữa tối 25-10 và Thủ tướng nước chủ nhà Shinzo Abe cũng sẽ có hành động tương tự trong cuộc gặp gỡ ngày 26-10. “Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng tôi trao đổi đầy đủ thông qua dịp này và trực tiếp lắng nghe quan điểm của chính Tổng thống Duterte”, Ngoại trưởng Kishida nói.

Bên cạnh đó, ông Kishida cũng bày tỏ tin tưởng mối quan hệ giữa Nhật Bản và Philippines là rất quan trọng. “Việc tìm kiếm quan hệ song phương ổn định sẽ dẫn đến hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực cũng như cộng đồng quốc tế”, ông Kishida khẳng định.

Theo tạp chí Time, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn nhất của Philippines. Cả hai nước đều có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc (Nhật Bản và Trung Quốc tranh chấp chủ quyền ở Biển Hoa Đông, còn Philippines và Trung Quốc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông). Hồi tháng 8 vừa qua, Tokyo chuyển quà tặng đến Manila: một tàu tuần duyên dài 44 mét để quốc gia Đông Nam Á này có thể thực hiện công tác tuần tra tốt hơn ở Biển Đông. Con tàu này do Nhật Bản viện trợ thông qua khoản vay hỗ trợ phát triển chính thức. Tokyo cũng đã cam kết cung cấp cho Manila ít nhất 9 tàu an ninh biển cùng với việc cho thuê máy bay do thám. Ngoài ra, Tokyo còn đang tìm cách thắt chặt quan hệ với Philippines thông qua các gói hỗ trợ nông nghiệp.

Khi lên nắm quyền vào tháng 6 vừa qua, Tổng thống Duterte đã nhanh chóng thay đổi chính sách ngoại giao. Tuần trước, ông đến Trung Quốc và dùng dịp này để tuyên bố “chia tách” khỏi Mỹ cả về quân sự lẫn kinh tế. Trước thềm chuyến công du Nhật Bản, ông còn cảnh báo, Mỹ có thể quên việc hợp tác quân sự với Philippines khi ông vẫn nắm quyền.

Tuy nhiên, theo Reuters, trước khi đến Tokyo, ông Duterte đã “dịu giọng” khi khẳng định vẫn duy trì quan hệ giữa Philippines với các đồng minh. “Không nên lo lắng về sự thay đổi của các đồng minh. Tôi không cần làm đồng minh với các nước khác”, nhà lãnh đạo này nói; đồng thời nêu rõ rằng ông chỉ lên kế hoạch thiết lập “liên minh mậu dịch và thương mại” với Trung Quốc.

Tất nhiên, sự “dịu giọng” nói trên đã nhận được sự hoan nghênh của Thủ tướng Shinzo Abe, người muốn giữ mối quan hệ với Philippines. Hôm nay (26-10), Tổng thống Duterte sẽ gặp gỡ Thủ tướng Abe và vấn đề an ninh khu vực chắc chắn được bàn thảo.

Nhật Bản không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng Tokyo muốn Mania tiếp tục đứng cùng một phía trong việc kiềm chế tham vọng của Trung Quốc đối với vùng biển này. Vì vậy, theo các nhà quan sát, Thủ tướng Abe sẽ phải ứng xử khéo léo để không đẩy Philippines xa Mỹ và gần Trung Quốc hơn.
Hãng Reuters dẫn lời các quan chức Nhật Bản cho biết, ông Abe sẽ không cố làm trung gian giữa Philippines và Mỹ nhưng có thể sẽ giải thích về vai trò quan trọng của Mỹ ở khu vực.

Ngoài ra, trong chuyến thăm lần này, Tổng thống Duterte cũng sẽ diện kiến Nhật hoàng Akihito.

Mỹ muốn ở lại miền nam Philippines

Đại sứ Mỹ tại Manila Philip Goldberg ngày 25-10 cho biết, Mỹ vẫn muốn tham gia chiến dịch loại bỏ các chiến binh Hồi giáo ở miền nam Philippines. Phát biểu này được đưa ra sau khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dọa sẽ “hất chân” lực lượng Mỹ.

Hãng AFP dẫn lời Đại sứ Goldberg nói rằng, mối đe dọa an ninh ở miền nam Philippines rất nghiêm trọng; đồng thời cảnh báo tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là một trong số những tổ chức chiến binh nước ngoài đang tìm cách gia tăng sự liên quan ở khu vực này. Ông Goldberg cảnh báo, Jemaah Islamiyah - một nhóm ở Đông Nam Á bị quy trách nhiệm trong các vụ đánh bom đẫm máu ở đảo Bali năm 2002 và các nhóm nước ngoài khác đang ở Mindanao.

Từ năm 2002-2014, Mỹ triển khai lực lượng luân phiên khoảng 600 quân đến miền nam Philippines để huấn luyện binh sĩ địa phương chống lại các chiến binh Hồi giáo. Theo ông Goldberg, hiện có khoảng 100 binh sĩ vẫn lưu lại nơi đây.

Tuy nhiên, tháng trước, Tổng thống Duterte tuyên bố lực lượng đặc biệt của Mỹ phải đi khỏi Mindanao.

PHÚC NGUYÊN

.