Hàng triệu người dân Thái Lan trong trang phục đen tham dự các nghi lễ Phật giáo truyền thống ở Bangkok để tưởng niệm Nhà vua Bhumibol Adulyadej, vốn được gọi là “Nhà vua của nhân dân” và là người kiến tạo hòa bình ở quốc gia Đông Nam Á này.
Người dân Thái Lan tập trung bên ngoài Bệnh viện Siriraj, mang theo chân dung của Nhà vua Bhumibol Adulyadej, bày tỏ niềm thương tiếc khôn nguôi. Ảnh: Reuters |
Hãng AFP cho biết, lễ quốc tang dành cho Nhà vua Bhumibol Adulyadej được thực hiện theo nghi thức đạo Phật. Dù sức khỏe của Nhà vua yếu đi trong nhiều năm qua nhưng sự ra đi của ông vẫn gây sốc đối với 67 triệu dân Thái Lan.
Thủ đô Bangkok ngày 14-10 nhuộm màu đen tang tóc. Hàng triệu người Thái mặc trang phục đen tập trung bên ngoài Cung điện Hoàng gia, cúi đầu cầu nguyện và bày tỏ sự tiếc thương Nhà vua vốn được đông đảo tầng lớp nhân dân yêu mến. Nhiều người còn mang theo chiếu, ô che nắng, phủ phục trên vỉa hè con đường đối diện cổng Cung điện Hoàng gia, nơi sẽ lưu giữ thi thể Nhà vua từ vài tuần đến vài tháng. Họ mong muốn được nhìn thấy di hài của Nhà vua khi được đưa từ Bệnh viện Siriraj về Cung điện Hoàng gia.
Trong suốt 70 năm trị vì, Nhà vua Bhumibol Adulyadej được xem là biểu tượng tình đoàn kết, thống nhất của dân tộc; là trụ cột cho sự ổn định của đất nước. Ông cũng được mô tả là “ánh sáng dẫn đường qua nhiều thập niên bất ổn chính trị và đảo chính”. Nay nhiều người dân Thái Lan lo lắng về tương lai của quốc gia Đông Nam Á này khi không còn Nhà vua Bhumibol Adulyadej. “Tôi thật sự yêu mến ông”, Arnon Sangwiman (54 tuổi), nhân viên một công ty điện lực, nói với AFP. Trong khi đó, Supawan Wongsawas, một công chức nghỉ hưu 64 tuổi, cho biết: “Tôi vẫn ngỡ mình đang mơ. Tôi không thể tin điều đó lại xảy ra”.
Nhà vua Bhumibol Adulyadej băng hà ngày 13-10 sau một thời gian lâm bệnh nặng, thọ 88 tuổi, trong lúc căng thẳng chính trị ở đất nước vẫn chưa được tháo gỡ. Thái tử Maha Vajiralongkorn được cho là người sẽ kế vị nhưng đã bất ngờ tuyên bố hoãn việc nối ngôi. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha kêu gọi người dân chấp nhận quyết định này và không gây ra bất ổn. Người đứng đầu chính phủ cho biết, Thái tử muốn hoãn việc kế vị để tưởng niệm cha mình và có thời gian chuẩn bị tốt cho vai trò mới.
Theo AFP, quyết định của vị Thái tử sinh năm 1952 có thể làm dấy lên quan ngại về việc kế vị và cũng là phép thử đối với chính phủ quân sự, vốn cam kết bảo đảm ổn định cho đất nước. Chủ tịch Hội đồng Cơ mật Prem Tinsulanonda sẽ đảm nhiệm vai trò nhiếp chính trong khi chờ Thái tử đăng cơ. Điều này được thực hiện theo đúng Hiến pháp Thái Lan: khi Nhà vua băng hà và chưa có tân vương, vai trò nhiếp chính sẽ được giao cho Chủ tịch Hội đồng Cơ mật.
Thái tử Maha Vajiralongkorn cũng sẽ chủ trì lễ tắm thi thể Nhà vua theo nghi thức đạo Phật. Ông là con thứ hai và cũng là con trai duy nhất trong 4 người con của Nhà vua Bhumibol Adulyadej và Hoàng hậu Sirikit. Ông được sắc phong tước hiệu Thái tử vào năm 1972 và xác lập ngôi vị thừa kế ngai vàng.
Hãng AFP dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama mô tả Nhà vua Bhumibol Adulyadej là “người bạn thân” của Washington và là “người nỗ lực không mệt mỏi” cho sự phát triển của Thái Lan. Từ năm 1946, khi lên ngôi đến nay, Nhà vua đã chứng kiến Thái Lan trải qua 20 Thủ tướng, hơn 10 vụ đảo chính và nhiều lần sửa đổi Hiến pháp.
Trong những năm qua, Thái Lan rơi vào khủng hoảng chính trị, Nhà vua Bhumibol Adulyadej đã can thiệp, dùng ảnh hưởng của mình để giải quyết các tình huống có thể gây ra sự bất ổn. Thực tế, dù không có quyền lực thực sự và ngai vàng chỉ mang tính biểu tượng, nhưng ông Bhumibol Adulyadej vẫn có sức ảnh hưởng đáng kể trên chính trường Thái Lan. Điều quan trọng là ông được mọi tầng lớp nhân dân yêu mến, được xem là “thủ lĩnh của cả dân tộc, người dân của đại gia đình dân tộc Thái Lan”.
Báo Straits Times của Singapore gọi ông Bhumibol Adulyadej là “Nhà vua của nhân dân”. Trong khi đó, tờ Bangkok Post ra ngày 14-10 dành cả trang nhất in đen trắng để đăng ảnh Nhà vua với dòng chữ “Kết thúc một kỷ nguyên”.
Được tin Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej qua đời, ngày 14-10, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đồng gửi điện chia buồn đến Hoàng hậu Sirikit, Hoàng gia, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha và Chủ tịch Hội đồng Lập pháp quốc gia Pornpech Wichitcholchai. Với lời chia buồn sâu sắc nhất của các nhà lãnh đạo Việt Nam gửi Hoàng hậu, Hoàng gia và lãnh đạo Thái Lan, điện chia buồn có đoạn viết: Qua 70 năm trị vì của Nhà vua Bhumibol Adulyadej, Vương quốc Thái Lan đã phát triển mạnh mẽ và người dân Thái Lan có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhà vua qua đời để lại niềm tiếc thương vô hạn với Hoàng hậu, Hoàng gia, nhân dân Thái Lan nói riêng và Cộng đồng người dân ASEAN nói chung. Là nước láng giềng gần gũi và đối tác chiến lược của Thái Lan, Việt Nam luôn trân trọng những đóng góp tích cực của Nhà vua trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Thái Lan trong những năm qua. Chúng tôi tin tưởng rằng, Hoàng hậu, Hoàng gia và nhân dân Thái Lan sớm vượt qua mất mát to lớn này, tiếp tục đưa Thái Lan phát triển mạnh mẽ như mong ước của Nhà vua. Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã gửi điện chia buồn đến Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai. TTXVN |
THIÊN BÌNH