Quốc tế

Thủ tướng Hungary gặp khó

08:10, 04/10/2016 (GMT+7)

Thủ tướng Hungary Viktor Orban thất bại khi không thuyết phục đủ 50% cử tri đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý về hạn ngạch nhập cư của Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, theo kết quả kiểm phiếu, 98,2% cử tri đã nói “không” với hạn ngạch này.

Thủ tướng Viktor Orban tuyên bố chiến thắng trong “cuộc chiến người nhập cư của EU”. 	                 Ảnh: Reuters
Thủ tướng Viktor Orban tuyên bố chiến thắng trong “cuộc chiến người nhập cư của EU”. Ảnh: Reuters

Hãng Reuters cho biết, tuy có đến 98,2% cử tri phản đối hạn ngạch phân bổ người nhập cư của EU nhưng kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Hungary ngày 2-10 được xem là không hợp lệ bởi chỉ có 3,8 triệu trong số 8 triệu cử tri đủ tư cách đi bỏ phiếu (chỉ đạt 43,9%, chưa đủ mức tối thiểu 50% theo quy định). Vì vậy, cuộc bỏ phiếu lần này vừa là thất bại nhưng cũng vừa là chiến thắng của Thủ tướng Viktor Orban.

Chính ông Orban đã tuyên bố chiến thắng trong “cuộc chiến người nhập cư với EU” dù sự hoan hỉ của ông không trọn vẹn. Một người phát ngôn của chính phủ cũng khẳng định không thể xem kết quả là không hợp lệ và nói rằng, kết quả mang tính ràng buộc về “chính trị và pháp lý”.

Ngay sau khi Ủy ban bầu cử quốc gia Hungary tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý không có giá trị pháp lý, phe đối lập kêu gọi Thủ tướng Orban từ chức. Theo lãnh đạo Liên minh Dân chủ đối lập Ferenc Gyurcsany, tỷ lệ tham gia bỏ phiếu thấp cho thấy hầu hết người dân không ủng hộ chính phủ. “Đây là điều tốt. Vấn đề nhập cư đã vượt khỏi biên giới Hungary”, ông Gyurcsany nói.

Song, Thủ tướng Orban nói rằng, việc cử tri nói “không” với hạn ngạch của EU đã trao cho ông sứ mệnh khi đến Brussels (Bỉ) vào tuần tới để “bảo đảm rằng, chúng tôi không buộc phải chấp nhận ở Hungary những người mà chúng tôi không muốn sống cùng”. Ông Orban cũng nói thêm, cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về hạn ngạch nhập cư lần đầu tiên diễn ra ở Hungary sẽ khơi mào làn sóng bỏ phiếu tương tự trên khắp EU. “Chúng tôi tự hào chúng tôi là những người đầu tiên”, ông nói.

Thủ tướng Orban vẫn giữ quan điểm rằng, quyết định có chấp nhận tiếp nhận người nhập cư hay không là vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia và EU không thể can thiệp. Hơn nữa, theo ông, là quốc gia có nhiều người theo đạo Kitô, Hungary không thể chấp nhận những cộng đồng tị nạn người Hồi giáo bởi điều này sẽ làm dấy lên các thách thức về an ninh quốc gia, trong đó có mối đe dọa khủng bố. Ông thúc giục những nhà lập pháp của EU lưu ý kết quả cuộc trưng cầu dân ý ở Hungary và nói rằng ông sẽ thay đổi hiến pháp để đưa ra một quyết định có tính ràng buộc. “Brussels không thể bắt buộc Budapest chấp nhận kế hoạch của họ. Brussels hoặc Budapest, câu trả lời của người dân Hungary là Budapest. Tôi sẽ đề xuất thay đổi hiến pháp để thực hiện nguyện vọng của người dân. Chúng tôi sẽ thay đổi sẽ Brussels thấy không thể phớt lờ nguyện vọng của người dân Hungary”, ông Orban nhấn mạnh.

Thực tế, kế hoạch phân bổ 160.000 người tị nạn cho các nước EU để giảm tải cho Ý và Hy Lạp - nơi tập trung phần lớn người tị nạn từ Bắc Phi và Trung Đông - gây nhiều tranh cãi. Theo đó, Hungary phải tiếp nhận 1.294 người tị nạn. Dù đây là con số quá ít ỏi so với 400.000 người đã đi qua lãnh thổ Hungary để vào châu Âu hồi năm 2015 nhưng Thủ tướng Orban vẫn kiên quyết không chấp nhận sự áp đặt này. Năm ngoái, bất chấp những chỉ trích của các nhóm nhân quyền, Hungary đã đóng cửa biên giới với Serbia và Croatia, dựng hàng rào thép gai, đồng thời huy động lực lượng quân đội và cảnh sát để ngăn chặn người nhập cư. Các nước khác dọc tuyến Balkan cũng theo gương Hungary, khiến khoảng 60.000 người di cư bị kẹt lại ở Hy Lạp.

Các nhà quan sát cho rằng, sự kiện vừa diễn ra ở Hungary khiến người ta liên tưởng đến sự kiện Brexit ở Anh và biết đâu sẽ mở đường để các nước khác có động thái tương tự chống lại kế hoạch của EU, dẫn đến nguy cơ liên minh già cỗi này tan rã. Sự đoàn kết và thống nhất của EU đang bị đe dọa.

PHÚC NGUYÊN

.