Sẽ rất khó để có kết luận tuyệt đối về việc ai chiến thắng trong một cuộc tranh luận. Do đó, có những cách đánh giá khác nhau về cuộc tranh luận trực tiếp lần cuối cùng giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ cũng là điều dễ hiểu.
Ứng cử viên Hillary Clinton rời sân khấu khi ông Donald Trump vẫn còn đứng trên bục phát biểu. Ảnh: Reuters |
Cuộc tranh luận trực tiếp lần thứ ba giữa ứng cử viên đảng Dân chủ Hillary Clinton và ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump diễn ra lúc 21 giờ ngày 19-10 (tức 8 giờ ngày 20-10, giờ Việt Nam) tại Đại học Nevada, thành phố Las Vegas, bang Nevada.
Hai ứng cử viên bước vào cuộc tranh luận mà không có màn bắt tay. 6 chủ đề tranh luận chính: chính sách nhập cư, các chương trình phúc lợi và nợ công, tòa án tối cao, kinh tế, chính sách ngoại giao và tình trạng sức khỏe cũng như khả năng của mỗi ứng viên để giữ vị trí tổng thống.
Theo đánh giá của báo chí quốc tế, lần này, ông Trump đã thể hiện sự điềm đạm và “ra dáng” ứng cử viên tổng thống hơn. Ông cũng đã đề cập những chính sách cụ thể, rõ ràng hơn trong các vấn đề tranh luận. Trong khi đó, bà Clinton vẫn giữ “phong độ” ổn định như hai cuộc tranh luận trước nhưng chưa có sự bứt phá đáng kể so với chính mình.
Bất chấp các kết quả thăm dò dư luận về việc ai thắng, ai thua trong cuộc tranh luận này, giới truyền thông quốc tế vẫn chia thành hai luồng quan điểm rõ ràng.
Với những người cho rằng ông Donald Trump chiến thắng, như nhà báo Harriet Alexander của báo Telegragh (Anh) nhận định: “Đây là lần đầu tiên tôi nghĩ ông Trump chiến thắng trong cả ba cuộc tranh luận”. Nhà báo này không so sánh ông Trump với đối thủ mà so với chính cách thể hiện bối rối, giận dữ của ông ấy ở hai cuộc tranh luận trước, nhất là lần mà vị tỉ phú cứ “lượn vòng vòng” trên sân khấu tranh luận trong lúc phản bác các lập luận của bà Clinton.
Thực tế, ông Trump đã có những thời điểm tạo ưu thế nổi trội hơn, nhất là khi chỉ trích các vấn đề của bà Clinton trong thời gian làm Ngoại trưởng, đặc biệt là chuyện hành xử thiếu chuyên nghiệp với các email cá nhân. Nhà báo Barney Henderson (Anh) cũng cho rằng, ông Trump đã có một màn trình diễn xuất sắc trong tối 19-10, ông bình tĩnh và cũng có sự chuẩn bị rành mạch hơn trong các dự định chính sách.
Theo nhà báo Ruth Sherlock (Anh), tỷ phú Trump đã thể hiện là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa “trưởng thành hơn” và ông đã thành công trong gần như toàn bộ thời gian diễn ra cuộc tranh luận. Nhà báo này cho rằng, ông Trump đã giúp cử tri có cái nhìn sáng rõ hơn về những chính sách điều hành đất nước.
Cũng với quan điểm đồng tình ông Trump là người chiến thắng, nhà báo Chris Graham bình luận, mặc dù vẫn “tấu khúc nhạc cũ” nhưng lần này ông Trump đã “nhấn” được nhiều nốt trúng và đích đáng hơn.
Nhiều người cho rằng, rất có thể bản tính của ông Trump không hề thay đổi, sở dĩ có những biến chuyển lần này là nhờ người điều phối cuộc tranh luận- ông Chris Wallace của đài Fox News, một người có uy lực và có khả năng kiềm chế các ứng viên tại buổi tranh luận.
Mặc dù thừa nhận sự thay đổi trông thấy trong thái độ hành xử của ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa, nhưng những người nhận định bà Hillary mới là người chiến thắng lại cho rằng, những thay đổi của ông Trump vẫn chưa đủ để mang lại chiến thắng cho ông.
Nhà báo David Lawler (Anh) cho rằng, có những lúc ông Trump lộ rõ việc ông “rất trẻ con” trong cách hành xử. Nhiều người nhắc tới chuyện bà Clinton ví ông Trump là “con rối”, thậm chí còn nhắc lại quan điểm của ông Bernie Sanders khi gọi ông Trump là “người nguy hiểm nhất trong cuộc đua vào Nhà Trắng trong lịch sử hiện đại của nước Mỹ”. Do đó theo nhà báo này, bà Clinton là người chiến thắng.
Những người nhìn nhận bà Clinton thắng cuộc đặc biệt nhấn mạnh việc ông Trump đã thách thức nền dân chủ của nước Mỹ khi cuối cuộc tranh luận, ông khẳng định sẽ không chấp nhận kết quả cuộc bầu cử nếu bà Hillary Clinton đắc cử. Nhà báo David Millward (Anh) cho rằng, mặc dù trong một giờ đầu tiên của cuộc tranh luận, ông Trump tỏ ra thắng thế, nhưng chính quan điểm không chấp nhận kết quả bầu cử của ông ở cuối phiên tranh luận lại trở thành yếu tố “hại” ông này nhiều nhất. Nhà báo Millward thậm chí còn cho rằng, đó chính là quan điểm khiến những cử tri còn đang dao động sẽ ngả hẳn về phía bà Clinton.
Một điểm rất chú ý và khiến mọi người bình luận nhiều là hai ứng cử viên đã rời cuộc tranh luận mà không thèm bắt tay nhau.
TRẦN ĐẮC LUÂN