Donald Trump sẽ trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ sau khi chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua.
Ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ. (Nguồn: Reuters) |
Dưới đây là 5 câu hỏi mà ông sẽ phải trả lời về nền kinh tế Mỹ:
Ông có thể ổn định các thị trường hay không?
Đây dường như là một câu hỏi không công bằng khi phải tới ngày 20/1, ông Trump mới chính thức đảm nhiệm công việc tổng thống và 10 tuần là một thời gian rất dài đối với các thị trường. Nhưng ta không thể gạt sang một bên thực tế rằng các thị trường tài chính đã trông chờ vào một chiến thắng của bà Clinton cho tới khi kết quả ngã ngũ.
Thực tế rằng ông Donald Trump sẽ là chủ nhân tiếp theo của Nhà Trắng đã làm rúng động thị trường chứng khoán toàn cầu. Lo âu cao độ hiện đang là trạng thái phổ biến của các nhà đầu tư. Tất cả mọi người đều muốn biết liệu những luận điệu cực đoan về chính sách kinh tế, đã là nét đặc trưng trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, có trở thành hiện thực hay không.
Liệu chính quyền Trump có phá bỏ các thỏa thuận thương mại hiện có?
Ông Trump đã xây dựng một phần lớn chiến dịch tranh cử của mình trên sự phê phán gay gắt các thỏa thuận thương mại hiện có của Mỹ, đáng kể nhất là Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cho phép thương mại phi thuế quan (hoặc giảm đáng kể mức thuế) với các nước láng giềng giáp ranh là Mexico và Canada.
Ông cũng đã hứa hẹn sẽ không ký kết thêm các thỏa thuận mới mà chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đồng ý, đáng nói nhất là Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP). Có nhiều khả năng việc phá dỡ khuôn khổ các mối quan hệ thương mại hiện có của Mỹ sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho Mỹ và nền kinh tế toàn cầu.
Liệu ông có giảm bớt sự độc lập của Cục Dự trữ Liên bang?
Đối với hệ thống tài chính toàn cầu, một trong số những phần đáng lo ngại nhất trong chiến dịch của Trump là việc ông đặt câu hỏi về sự độc lập của ngân hàng trung ương Mỹ - Cục Dự trữ Liên bang.
Tuyên bố của ông, rằng người đứng đầu Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen đã giữ cho tỷ giá ở mức thấp theo lệnh của ông Obama, bản thân nó đã là một đòn tấn công vào giả định then chốt vốn là nền móng cho hệ thống tài chính Mỹ và toàn cầu: Cục Dự trữ Liên bang là độc lập và thực hiện các chính sách tiền tệ bên ngoài sự kiểm soát của các chính trị gia đắc cử. Nếu ông Trump không có cùng giả định đó, tất cả mọi người trong thị trường tài chính sẽ phải thay đổi giả định của họ.
Ông sẽ tăng tốc độ tăng trưởng của Mỹ như thế nào?
Một trong những lý do khiến Trump được cử tri Mỹ ưa chuộng là việc ông tuyên bố có thể phục hồi nền kinh tế Mỹ trở lại mức tỷ lệ tăng trưởng mà nhiều năm gần đây, thậm chí hàng thập kỷ nay, quốc gia này chưa từng đạt được.
Một khi chính thức đảm nhận nhiệm vụ, Trump sẽ phải chịu áp lực rất lớn để đưa ra kế hoạch thực hiện mục tiêu này của ông. Chính quyền Obama đã chủ trương mở rộng kinh tế và kế hoạch đó đã kéo dài trong nhiều năm. Các kế hoạch kinh tế của Tổng thống Trump nhiều khả năng sẽ rất khác với kế hoạch của Tổng thống Obama, ít nhất là ông muốn cắt giảm mạnh thuế, đặc biệt là thuế đánh vào người giàu. Nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông nắm trong tay bí mật để mở ra tiềm năng phát triển lớn hơn cho nền kinh tế Mỹ.
Ông sẽ làm việc với Quốc hội như thế nào?
Để làm được những việc như cắt giảm thuế hay thay đổi mối quan hệ của Fed với chính phủ, hoặc viết lại các thỏa thuận thương mại, mọi tổng thống đều phải bảo đảm có được sự hợp tác với Quốc hội.
Mặc dù đảng Cộng hòa sẽ nắm quyền kiểm soát ở cả Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện Mỹ, sự chia cắt trong nội bộ đảng này dường như đã trở nên sâu sắc hơn trong 18 tháng kể từ khi ông Donald Trump khởi động chiến dịch của mình.
Phần lớn câu trả lời của ông Trump đối với những câu hỏi này và nhiều vấn đề khác sẽ phụ thuộc vào việc ông có thể làm việc với Quốc hội hay không và làm việc ra sao./.
Vietnam+