Theo phóng viên TTXVN tại New York, trong những năm gần đây, người Á gốc Mỹ đã nổi lên là nhóm cử tri có nhiều ảnh hưởng đến kết quả các cuộc bầu cử ở Mỹ.
Cử tri Mỹ bỏ phiếu tại một địa điểm bầu cử ở New York. (Nguồn: AP/TTXVN) |
Cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều tin rằng việc người Mỹ gốc Á có thể sẽ đóng vai trò quyết định tại tại nhiều bang chiến trường chủ chốt bởi người Mỹ gốc Á là nhóm sắc tộc có số lượng nhân khẩu tăng mạnh nhất, ước khoảng 43%/10 năm.
Tính trung bình, sau mỗi kỳ bầu cử, cử tri gốc Á tăng khoảng 500.000-6000.000 người. Cộng đồng này không chỉ là lực lượng quan trọng tại một số bang như Hawaii, California, Washington, New Jersey hay New York, mà còn mở rộng ảnh hưởng sang một số "điểm đến mới" ở miền Nam, Trung Tây và Tây Nam nước Mỹ.
Nhận thức được điều này, cả hai ứng cử viên Hillary Clinton và Donald Trump đều muốn giành được sự ủng hộ của cử tri người Mỹ gốc Á trong các chiến dịch tranh cử.
Tuy nhiên, mức độ thành công là khác nhau. Trong khoảng hai thập kỉ trở lại đây, người gốc Á luôn có xu hướng ủng hộ ứng cử viên của đảng Dân chủ, vì những đề xuất chính sách của đảng này về mở rộng tự do, tăng trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế cho người nghèo phù hợp với mong muốn của cộng đồng này.
Cụ thể, năm 2012, tỉ lệ cử tri gốc Á bỏ phiếu cho ông Barack Obama đạt tới 71%, cao hơn tỉ lệ ủng hộ của người gốc Mỹ Latinh hay da màu. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục được tái hiện trong năm 2016, khi mà ông Trump bị người Mỹ gốc Á "bỏ rơi" vì liên tục có những bình luận bài xích người nhập cư, người Hồi giáo.
Do không quan tâm nhiều đến chính trị nên sức ảnh hưởng của nhóm cử tri gốc Á được cho là chưa bằng nhóm cử tri da đen hay gốc Mỹ Latinh. Tuy nhiên, con số cử tri Mỹ gốc Á đi bỏ phiếu năm nay đang có xu hướng cao hơn hẳn mọi năm trước cho thấy những dịch chuyển đáng kể trên bức tranh bầu cử Mỹ./.
Vietnam+