Quốc tế

Bầu cử tổng thống Mỹ: Quyết liệt chặng nước rút

08:26, 07/11/2016 (GMT+7)

Ngày 6-11, khi chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày bầu cử chính thức, cả ông Donald Trump lẫn bà Hillary Clinton đều dồn sức trong những lịch trình vận động tranh cử dày đặc tại các bang.

Khi ngày bầu cử chính thức cận kề, hai ứng cử viên tổng thống Mỹ vẫn miệt mài vận động tranh cử tại các bang trọng yếu.  Ảnh: Reuters
Khi ngày bầu cử chính thức cận kề, hai ứng cử viên tổng thống Mỹ vẫn miệt mài vận động tranh cử tại các bang trọng yếu. Ảnh: Reuters

Trong lúc bà Clinton huy động sức mạnh của các nghệ sĩ nổi tiếng như Beyonce, Katy Perry trong các chương trình biểu diễn âm nhạc cuối tuần và lên lịch cả cuộc gặp với đương kim Tổng thống Barack Obama, thì ông Trump “ngạo nghễ” nói rằng ông không cần cả Beyonce lẫn Katy Perry.

Song, nói vậy không có nghĩa ông không làm gì. Trái lại, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa đã sốt sắng tham gia hành trình vận động tranh cử dày đặc sự kiện tại các bang chiến địa và trọng yếu như: Iowa, Minnesota, Michigan, Pennsylvania, Virginia, Florida, North Carolina và New Hampshire.

Một diễn biến bất ngờ nhất là việc ông Trump gặp sự cố khi đang diễn thuyết trên sân khấu tại Reno, bang Nevada ngày 5-11 (sáng 6-11, giờ Việt Nam). Lúc đó, ông đang nói chuyện thì “một tay súng” đứng ngay trước mặt. Hai nhân viên an ninh đã ngay lập tức “ào” lên sân khấu và đưa ông Trump vào trong cánh gà. Mặc dù theo mô tả trên tài khoản Twitter của con trai tỷ phú này, sự việc có vẻ giống như “một âm mưu ám sát bất thành”, nhưng ông Trump đã không hề nao núng. Các nhân viên của cơ quan mật vụ cho biết, quá trình khám xét sau đó không phát hiện kẻ tấn công mang theo vũ khí.

Chiến dịch tranh cử của bà Clinton cho rằng, việc ông Trump tiến hành “búa xua” các cuộc vận động trong những ngày cuối cùng là biểu hiện của tâm trạng lo lắng, bất an. Dù vậy, chính cựu Ngoại trưởng 69 tuổi cũng đã có thêm một điểm dừng chân ngoài kế hoạch vận động tranh cử tại bang Michigan, một bang mà ứng cử viên đảng Dân chủ Obama đã giành chiến thắng dễ dàng vào năm 2012.

Các chương trình vận động tranh cử trong vòng 48 tiếng cuối cùng trước ngày bầu cử chính thức do cả hai chiến dịch công bố cho thấy cuộc đua đang ngày càng sát nút hơn giữa ông Trump và bà Clinton. Không biết tỷ phú bất động sản có cảm thấy áp lực nhiều hơn trong chặng đua nước rút này không, nhưng trong cách diễn thuyết của ông, người ta vẫn thấy ngập tràn tinh thần của một người thắng cuộc.
Ông Trump cam kết với những người ủng hộ mình vào cuối ngày 5-11 tại Denver, bang Colorado: “Trong 3 ngày nữa chúng ta sẽ chiến thắng một bang vĩ đại là Colorado và chúng ta sẽ giành chiến thắng ở Nhà Trắng. Các bạn sẽ vô cùng hạnh phúc. Chúng ta sẽ lại bắt đầu chiến thắng”. Ông Trump kêu gọi cử tri nên trực tiếp đi bỏ phiếu để tránh tình trạng gian lận trong việc gửi phiếu bầu qua bưu điện.

Ông Trump cũng tiếp tục nhấn mạnh lại những vấn đề chính trong cương lĩnh tranh cử của mình: cam kết xóa bỏ các thỏa thuận tự do thương mại, trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp, xây dựng lại quân đội Mỹ vốn bị suy yếu và thanh trừng nạn tham nhũng.

Người quản lý chiến dịch tranh cử của bà Clinton, ông Robby Mook, giễu cợt đối thủ một cách chua cay trước báo giới: “Cứ như thể là ông ấy đang đi tới tất cả mọi nơi cùng một lúc”. Ông Mook cho rằng, lịch trình dày đặc của tỷ phú Trump là dấu hiệu cho thấy ông ấy đang lo sợ sẽ không “xuyên thủng” được những khu vực được coi là lãnh địa của đảng Dân chủ. Ông Mook dự đoán bà Clinton sẽ vượt qua ông Trump trong kết quả thăm dò dư luận tại bang Florida. “Ông Donald Trump phải giành thắng lợi ở tất cả những bang chiến địa. Nếu chúng tôi chiến thắng tại các bang Pennsylvania và Florida, ông ấy sẽ không còn cửa nào nữa”, người quản lý chiến dịch tranh cử của bà Clinton nói.

Không khí và những tuyên bố của các ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ có sức lan tỏa không chỉ trong nội bộ nước này, mà nó còn chi phối đáng kể tới các quốc gia có quan hệ thân thiết hoặc thù địch với Washington. Các đồng minh của Mỹ lo ngại việc một ứng cử viên đe dọa sẽ xem xét lại các hiệp ước đã ký kết với họ.

Các kết quả thăm dò trên thực tế vẫn chưa rõ ràng. Mặc dù bà Clinton vẫn giành ưu thế vượt trước ở một khoảng cách hẹp (theo thống kê trung bình của trang RealClearPolitics, bà đang dẫn trước ông Trump 2,1 điểm %) nhưng kết quả chung cuộc sẽ phụ thuộc vào số phiếu đại cử tri và có lẽ khoảng hơn chục bang chiến địa.

Điều đáng nói là trong khi ông Trump “sống sót” khỏi vụ bê bối liên quan đến video xúc phạm phụ nữ, bà Clinton vẫn đang bị điều tra email cá nhân và sự việc làm phủ bóng lên chặng đua nước rút này.

Theo kết quả thăm dò dư luận mới nhất do ABC/Washington Post công bố ngày 6-11, bà Hillary vẫn dẫn trước 5 điểm % so với ông Trump, cụ thể là 48/43%. Tuy nhiên, tỷ lệ trung bình các kết quả thăm dò dư luận cho thấy khoảng cách gần hơn giữa hai ứng cử viên.

Hãng AFP cho hay, khoảng 15% người Mỹ hiện vẫn chưa chắc chắn sẽ bỏ phiếu cho ai trong ngày 8-11. Thời điểm này vào năm 2012, chỉ 5% cử tri còn lưỡng lự về việc lựa chọn giữa ông Barack Obama và ông Mitt Romney.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.