.

"Chuyến đi tạm biệt" của Tổng thống Obama

.

Trong tất cả lời tạm biệt mà Tổng thống Mỹ Barack Obama bày tỏ với các đồng minh trong chuyến công du nước ngoài cuối cùng trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng, một trong những lời khó khăn nhất có lẽ là nói với Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã làm việc với nhau suốt 8 năm qua.    Ảnh: ABC News
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã làm việc với nhau suốt 8 năm qua. Ảnh: ABC News

Theo hãng ABC News, Nhà Trắng xem Thủ tướng Angela Merkel là đối tác nước ngoài thân thiết nhất của Tổng thống Barack Obama. Hai nhà lãnh đạo này cũng đã làm việc với nhau trong 8 năm qua. Vì vậy, ông sẽ khó khăn để nói lời tạm biệt với nhà lãnh đạo Đức.

Phát biểu với báo giới hồi tuần trước, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes cho rằng, Tổng thống Obama và Thủ tướng Merkel đã làm việc cùng nhau trên hầu hết các vấn đề. “Họ đã phát triển sự tôn trọng lẫn nhau sâu sắc”, ông Rhodes nói. Tình bạn đó là một phần lý do để ông Obama đến thủ đô Berlin của Đức vào tối 16-11. Trên cương vị tổng thống, ông đã đến Đức 5 lần và quốc gia châu Âu này là chặng dừng chân thứ hai của ông (sau Hy Lạp) trong chuyến công du nước ngoài lần cuối.

Chiều 17-11, Tổng thống Obama hội đàm với Thủ tướng Merkel để gửi thông điệp đoàn kết đối với Đức, đối tác thương mại hàng đầu, đồng minh NATO và là nơi có hàng ngàn binh sĩ Mỹ đồn trú. Đức còn là quốc gia then chốt trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư và nợ công.

Ông chủ Nhà Trắng vốn ủng hộ nữ Thủ tướng Đức khi bà đối mặt với chỉ trích xung quanh chính sách mở cửa đón người nhập cư, hầu hết là những người tị nạn chạy trốn cuộc nội chiến ở Syria. Trong chuyến thăm Đức hồi đầu năm nay, ông Obama đã đứng bên cạnh bà Merkel, hoan nghênh sự dũng cảm của bà; đồng thời bày tỏ niềm tự hào về nữ Thủ tướng cũng như về người dân Đức.

Tuy nhiên, theo ABC News, chưa rõ mối quan hệ thân thiết giữa Mỹ và Đức sẽ như thế nào dưới thời ông Donald Trump, người đã chỉ trích bà Merkel trong chiến dịch tranh cử. Ông Trump cáo buộc bà Merkel “hủy hoại nước Đức” bằng việc tiếp nhận số lượng lớn người tị nạn Syria; thậm chí dùng hình ảnh của bà để tấn công đối thủ Hillary Clinton khi nói rằng, bà Clinton sẽ là “Merkel của Mỹ”.

Giờ đây, không những ông Trump dịu giọng hơn đối với Thủ tướng Merkel mà còn gọi bà là “nhà lãnh đạo thế giới tuyệt vời”, ngoại trừ vấn đề nhập cư.

Sau chiến thắng của tỷ phú Trump trong cuộc bầu cử tổng thống hồi tuần trước, bà Merkel đã chúc mừng ứng cử viên của đảng Cộng hòa; đồng thời khẳng định tiếp tục hợp tác với Washington để chia sẻ các giá trị. “Đức và Mỹ bị ràng buộc bởi các giá trị - dân chủ, tự do, tôn trọng luật pháp, màu da, tôn giáo, giới tính…”, bà Merkel nói. Dựa trên các giá trị này, nhà lãnh đạo Đức đề nghị Tổng thống tương lai của Mỹ Donald Trump hợp tác chặt chẽ.

Các quan chức Đức hy vọng việc chuyển giao quyền lực ở Mỹ sẽ không báo hiệu sự thay đổi đáng kể trong quan hệ giữa hai quốc gia hay liên minh NATO. “Người Mỹ là một trong những đối tác quan trọng nhất của chúng tôi và chúng tôi muốn tiếp tục mối quan hệ này về mặt kinh tế, chính trị và thông qua các giá trị được chia sẻ”, ông Peter Tauber, Tổng Thư ký đảng Dân chủ Thiên chúa giáo của Thủ tướng Merkel nói với báo giới ở Berlin, trước thềm chuyến thăm của ông Obama.

Ngày 18-11, tại Berlin, Tổng thống Obama và Thủ tướng Merkel sẽ gặp gỡ lãnh đạo các nước chủ chốt ở châu Âu, gồm Thủ tướng Anh Theresa May, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Ý Matteo Renzi và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. Theo đó, Tổng thống Obama có thể đề cập đến cuộc bầu cử của ông Donald Trump và hướng đi của Mỹ trong 4 năm tới.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.