Quốc tế

Di sản của Tổng thống Barack Obama

07:40, 09/11/2016 (GMT+7)

Tuy đến tháng 1-2017, ông Barack Obama mới chính thức rời Nhà Trắng, trao lại vị trí quyền lực của nước Mỹ cho người kế nhiệm nhưng trong những ngày này, nhiều nhà phân tích đã điểm lại những di sản mà vị tổng thống thứ 44 để lại.

Lúc mới bước vào Nhà Trắng tháng 1-2009, Tổng thống Barack Obama đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. 		Ảnh: AFP
Lúc mới bước vào Nhà Trắng tháng 1-2009, Tổng thống Barack Obama đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Ảnh: AFP

Trong bài viết đăng trên báo Pittsburgh Post-Gazette, nhà báo Albert R. Hunt cho rằng, bước vào “hoàng hôn nhiệm kỳ”, ông Obama vẫn là nhân vật nổi tiếng và được tôn trọng, một phần vì ông đã điều hành một chính phủ trung thực và đạo đức.

Các thăm dò cho thấy, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Obama ở mức 50%, bất chấp việc có những chia rẽ sâu sắc xung quanh các chính sách của ông. Con số này dành cho ông cao hơn bất kỳ vị tổng thống nào ở cuối nhiệm kỳ thứ hai của nước Mỹ kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay. Tờ Pittsburgh Post-Gazette cũng cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ, ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Obama là lựa chọn các chiến lược gia có đạo đức vào Nhà Trắng và ông đã đạt được mục tiêu này.

Tuy nhiên, một số nhà hoạt động bảo thủ không chấp nhận điều này. Trái lại, họ tìm kiếm những scandal để chống lại ông Obama. Chẳng hạn, họ chỉ trích vụ tấn công nhằm vào lãnh sự Mỹ tại thành phố Benghazi của Libya làm 4 người Mỹ thiệt mạng hồi năm 2012. Phe Cộng hòa từng cho rằng, có sự che đậy nào đó xung quanh vụ việc này nhằm bảo vệ chiến dịch tái tranh cử của ông Obama nhưng rốt cuộc các cuộc điều tra không mang lại kết quả nào.

Theo AFP, lịch sử sẽ nhớ ông Obama là tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Với 8 năm, ông đã tạo ra nhiều đổi thay trong đời sống chính trị của cường quốc này.

Khi mới bước chân vào Nhà Trắng, ông Obama bị nghi ngờ rằng sẽ khó thực hiện được cam kết về “sự thay đổi” mà ông đã đưa ra lúc tranh cử (Change - Yes, We Can/ Thay đổi - vâng, chúng ta có thể) bởi nhà lãnh đạo này phải đối mặt với quá nhiều thách thức. Lúc đó, nền kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Năm đầu tiên ở Nhà Trắng, ông chứng kiến 4 triệu người Mỹ bị mất việc làm, hàng trăm người thiệt mạng trong hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan; đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa chia rẽ hơn bao giờ hết.

Lãnh đạo của phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell thậm chí cho rằng, ông Obama chỉ có thể đảm nhiệm được một nhiệm kỳ.

Nhưng rồi ông Obama đã thành công, phục hồi nền kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp còn 2%/năm, cải thiện thâm hụt ngân sách liên bang… Đáng chú ý là việc cải tổ Luật Chăm sóc sức khỏe (Obamacare) tuy gây nhiều tranh cãi nhưng đã mang lại cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân thuộc tầng lớp thu nhập thấp trong xã hội.

Về chính sách đối ngoại, người tiền nhiệm G.W.Bush theo đuổi chủ nghĩa đơn phương, còn ông Obama cam kết hợp tác và khôi phục danh tiếng của nước Mỹ bằng sự linh hoạt, mềm dẻo. Ông đã chính thức khép lại hai cuộc chiến “hao người, tốn của” tại Iraq và Afghanistan, đưa hầu như toàn bộ binh sĩ Mỹ về nước.

Nhắc đến di sản của ông chủ Nhà Trắng thứ 44, không thể không nói đến chiến lược “xoay trục” châu Á - Thái Bình Dương. Ông dịch chuyển chính sách đối ngoại từ Trung Đông sang khu vực đang nổi lên này bằng việc củng cố các mối quan hệ đồng minh truyền thống với hai nước Đông Bắc Á là Hàn Quốc, Nhật Bản và xích lại gần Đông Nam Á. Song, chiến lược “xoay trục” này còn dang dở và có thể sẽ được tiếp tục nếu bà Hillary Clinton thắng cử.

Trong di sản của Tổng thống Obama tất nhiên có cả những điểm sáng lẫn mảng tối. Một trong những mảng tối nhất là mối quan hệ với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên ảm đạm…

Thật khó vẽ bức tranh đầy đủ về di sản của Tổng thống Obama. Có những lời hứa chưa được thực hiện và ông cũng như đảng Dân chủ trông chờ bà Clinton sẽ tiếp tục các chính sách dang dở, để giữ vị thế của nước Mỹ trên trường quốc tế.

PHÚC NGUYÊN

.