Quốc tế
Fidel Castro: Người chỉ huy huyền thoại và thủ lĩnh dân tộc của Cuba
Ngày 25/11/2016, nhân dân Cuba sững sờ đón nhận tin đau buồn: Lãnh tụ Fidel Castro người con vĩ đại của dân tộc, vị lãnh tụ kính yêu của đất nước, nhà lãnh đạo nổi tiếng của cách mạng Cuba và thế giới không còn nữa.
Nhà cách mạng Fidel Castro qua đời. (Nguồn: AFP/Getty Images) |
Lãnh tụ Fidel Castro đã ra đi về cõi vĩnh hằng ở tuổi tròn 90 sau chặng đường dài hơn 60 năm đấu tranh đầy hy sinh gian khổ kể từ khi ông lãnh đạo phong trào học sinh, sinh viên Cuba những năm giữa thế kỷ 20, trải qua cuộc khởi nghĩa vũ trang ngày 26/7/1953 và sau đó là cuộc chiến tranh du kích ở chiến khu Sierra Maestra lật đổ chế độ độc tài Batista, mở ra kỷ nguyên độc lập thực sự cho nhân dân Cuba bắt đầu từ 1/1/1959.
Nhân dân Cuba vô cùng thương tiếc vị Tổng tư lệnh kính yêu, người đã có những cống hiến vô cùng to lớn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Cuba, trực tiếp lãnh đạo nhân dân Cuba vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đạt những thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực.
Fidel là vị lãnh tụ lỗi lạc, là người chỉ huy tối cao đã chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua mọi sóng gió, thác ghềnh, đưa Cuba trở thành một nước xã hội chủ nghĩa có uy tín cao trên trường quốc tế, là tấm gương sáng của phong trào độc lập và giải phóng dân tộc ở Mỹ La tinh cũng như trên thế giới.
Đối với nhân dân Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình, tự do và công lý trên khắp năm châu, ông là người bạn thủy chung, là biểu tương trong sáng của chủ nghĩa quốc tế chân chính trong cuộc đấu tranh vì độc lập của các quốc gia và vì một nền hòa bình bền vững cho tất cả các dân tộc trên thế giới.
Nhà cách mạng vĩ đại
Trong giờ phút đau buồn này, chúng ta nhớ về ông trước hết như là một nhà cách mạng vĩ đại. Ông là một trong số it nhà lãnh đạo quốc gia đã đi vào lịch sử và huyền thoại ngay từ lúc sinh thời. Ông thuộc lớp các nhà cách mạng kiệt xuất của thế giới thứ ba từng cống hiến đời mình cho lý tưởng tự do và giải phóng dân tộc như Hồ Chí Minh, Nelson Mandela, Patricio Lumumba, Che Guevara Angostino Neto...
Ông là người đứng đầu một quốc đảo nhỏ bé từng đương đầu với tất cả mọi thế lực cường quyền hùng mạnh nhất với một ý chí kiên cường vô song. Ông cũng là vị lãnh tụ có quan hệ với hầu hết các nhà lãnh đạo từng ghi dấu ấn trong lịch sử nhân loại sau Chiến tranh Thế giới thứ hai như Jawaharlal Nehru, Nasser, Tito, Khrutsov, Olof Palme, Boumedienne, Arafat, Indira Ganhdi, Salvador Allende, Breznev, Mitterand, Giáo hoàng Jean Paul 2, nhà vua Juan Carlos...
Ông còn là bạn thân của nhiều học giả, trí thức, nghệ sĩ nổi tiếng thế giới thời hiện đại như: Jean Paul Sartre, Hemingwey, Graham Green, Pablo Neruda, Guayasamin, Garcia Marquez, Oliver Stone, Noam Chomsky, Joseph Stiglitz và nhiều người khác nữa.
Tất cả những ai đã từng có dịp nói chuyện với ông, đặc biệt là các nhà báo, nhà văn nổi tiếng đã từng phỏng vấn ông hàng mấy chục tiếng đồng hồ như Gianni Mina (Italy), Tomas Borge (Nicaragua), Frei Betto (Brasil) và Ignacio Ramonet (nhà báo và nhà văn người Pháp gốc Tây Ban Nha ) đều xác nhận rằng Fidel là người có kiến thức vô cùng uyên bác.
Ông có thể thảo luận về mọi lĩnh vực từ lịch sử, chính trị, xã hội học, triết học, tôn giáo, luật pháp, kinh tế... cho đến những đề tài đòi hỏi chuyên môn sâu như y hoc, công nghệ sinh học hay phân tích về những biến động của thị trường chứng khoán trên thế giới.
Vì vậy, Fidel luôn luôn nhìn vấn đề ở tầm chiến lược, ở phạm vi toàn cầu, trong mối tương quan giữa lợi ích quốc gia và chính trị quốc tế. Đồng thời ông cũng là người luôn năm chắc thực tiễn, tính toán và phân tích sắc bén mọi dữ kiện để quyết đoán nhanh những vấn đề cụ thể.
Lịch sử ghi nhận ông là một lãnh tụ có viễn kiến chính trị nhạy bén khác thường. Các tài liệu còn ghi rõ: vào năm 1989 khi chưa ai nghĩ tới sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở đất nước của Cách mạng tháng Mười, thì chính Fidel đã cảnh báo trong bài diễn văn tại lễ kỷ niệm ngày khởi nghĩa vũ trang 26-7 tại Cuba: Giả sử ngày mai chúng ta thức dậy mà Liên xô không còn nữa, giả sử ngày mai chúng ta thức dậy mà phe xã hội chủ nghĩa không còn nữa, thì chúng ta vẫn sẽ tiếp tục con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội trên hòn đảo Cuba tự do!
Tổng thống Liên bang Nga nhiệm kỳ 2008-2012, Dimitri Medvedev, trong bức điện mừng sinh nhật lần thứ 85 của Fidel, đã đánh giá: “Toàn thế giới biết rõ Chủ tịch là một nhà hoạt động chính trị lỗi lạc, một tấm gương sáng về phục vụ tổ quốc và nhân dân. Chủ tịch là vị lãnh tụ, người chỉ huy huyền thoại và thủ lĩnh dân tộc đối với các thế hệ người Cuba.”
Người chiến binh kiên cường
Chúng ta cũng tưởng nhớ về ông như một người chiến binh của thời đại luôn dũng cảm đứng ở tuyến đầu của cuộc đấu tranh vì lý tưởng tự do và độc lập theo con đường mà Jose Marti, người cha của nền độc lập Cuba, đã vạch ra. Với ý chí kiên cường và tầm cao trí tuệ, ông sớm trở thành nhà lãnh đạo cách mạng xuất chúng, 27 tuổi chỉ huy cuộc tiến công pháo đài Moncađa, mở đầu cuộc cách mạng vũ trang ở Cuba, và năm 33 tuổi giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu lật đổ chế độ độc tài, trở thành vị lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc. Và từ đó, trải qua bao gian khổ, hy sinh, bất chấp sự thù địch của các thế lực hùng mạnh nhất thế giới, cách mạng Cuba vẫn đứng vững trước cuộc bao vây cấm vận ngày càng ngặt nghèo, kể cả việc tiến hành cuộc xâm lược vũ trang trực tiếp bằng lính đánh thuê vào bãi biển Hirông tháng 4/1961, cũng như việc gây ra cuộc khủng hoảng tên lửa tháng 10/1962, đặt đất nước Cuba bên bờ của sự huỷ diệt bởi một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Nhiều tổ chức khủng bố vũ trang được Mỹ bảo trợ đã tiến hành hàng trăm, hàng nghìn vụ khủng bố, phá hoại trong nhiều năm nhằm gây mất ổn định và lật đổ chế đố xã hội chủ nghĩa ở Cuba. Bản thân ông từng là mục tiêu của hơn 600 kế hoạch ám sát, trong đó có những vụ mà ông đã đứng trước mũi sung của kẻ thù chỉ trong gang tấc.
Năm 1971, trong dịp Fidel thăm Chile, tại một cuộc gặp gỡ đông người, ông đã ở trong tầm ngắm của một khẩu súng ám sát được nguỵ trang bằng ống kính tele của máy ảnh. Nhưng chủ nhân của nó đã không thắng được sức ép ghê gớm của đòn cân não, và đã run tay không dám “bấm máy” trong tình huống đối mặt với “huyền thoại sống” Fidel Castro, một con người “sẵn sàng đón nhận mọi hiểm nguy, kể cả sự hy sinh” vì sự nghiệp cách mạng, như lời Che Guevara từng nói.
Những năm sau này khi tuổi đã cao, sức khỏe suy giảm, Fidel vẫn kiên cường chống chọi với bệnh tật, tuyệt đối không bao giờ để mọi người phải bận tâm trước những sự cố xảy ra liên quan đến sức khỏe của mình. Tháng 6 năm 2000, trong một cuộc nói chuyện kéo dài dưới trời nắng nóng, ông bị ngất giữa chừng. Quần chúng nhân dân hết sức lo lắng, nhưng chỉ ít phút sau ông đã trở lại diễn đàn giải thích để mọi người yên tâm, và buổi tối hôm đó ông tiếp tục lên truyền hình, hoàn thành nốt bài phát biểu của minh.
Tháng 10/2004, sau sự cố ông bị trượt chân ngã khi từ diễn đàn bước xuống, tuy vết thương khá nặng, nhưng ông vẫn nén đau cầm micro yêu cầu mọi người bình tĩnh tiếp tục dự buổi văn nghệ theo chương trình đã định. Và lần đó ông đã đề nghị các bác sĩ chỉ gây tê cục bộ trong khi thực hiện ca phẫu thuật mà không gây mê toàn bộ để ông vẫn có thể điều hành công việc quốc gia khi điều trị vết thương vỡ đầu gối khá nghiêm trọng.
Fidel là người luôn nhất quán với chính mình, lời nói luôn đi đôi với hành động. Khi tuổi ông đã cao, báo chí quốc tế nhiều lần đề cập vấn đề nghỉ hưu và chuyển giao quyền lực, ông đã trả lời thẳng thắn: “Một khi không còn đủ sức khỏe để phục vụ đất nước, tôi sẵn sàng rời bỏ mọi chức vụ, không sớm hơn hay muộn hơn một giây!” Ngày 31/7/2006, trước khi phải vào bệnh viên mổ cấp cứu vì một căn bệnh đường ruột trầm trọng, ông đã kịp để lại bản tuyên cáo trong đó nêu rõ mọi sự bố trí, sắp xếp công việc của quốc gia và giao lại quyền lãnh đạo đất nước cho Bí thư thứ hai Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng Raul Castro.
Từ đó, trong suốt thời gian dài, với một nghị lực phi thường, ông đã vượt qua những ca đại phẫu, dần hồi phục sức khỏe để trở lại phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân theo một phương thức khác, không phải trên cương vị của một nguyên thủ quốc gia, mà trong vai trò của một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Sau khi sức khỏe ổn định, ông đã viết hàng trăm bài “suy ngẫm” về các vấn đề trong nước và quốc tế, nêu lên những trải nghiệm, những nhận xét của mình về nhiều vấn đề, nhưng như ông nói “tất cả những điều này không bao giờ là áp lực đối với các nhà lãnh đạo đương quyền trong việc quyết định những vấn đề hệ trọng của quốc gia.”
Đối với tấ cả mọi người Việt Nam chúng ta, Fidel là người bạn lớn, người đồng chí và người anh em vô cùng thân thiết, là người luôn chăm lo phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Cuba. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhân dân Việt Nam nguyện giữ vững tinh hữu nghị và tinh đoàn kết giữa hai dân tộc mà Chủ tich Hồ Chí Minh và lãnh tụ Fidel Castro đã dày công vun đắp.
Đúng như Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Cuba tháng 4/2012 : “Chúng ta có trách nhiệm tuyên truyền và giáo dục cho thế hệ trẻ hai nước kế tục truyền thống vẻ vang của cách mạng mỗi nước, đồng thời có trách nhiệm giữ gìn, phát huy, nâng niu mối quan hệ truyền thống vô cùng quí báu này. Nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ câu nói chí tình của lãnh tụ Fidel Castro "Vì Việt Nam Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình.”
Trong trái tim mỗi người Việt Nam, hình ảnh Fidel luôn luôn là biểu tượng cao đẹp của một chiến sỹ cách mạng kiên cường, đấu tranh cho độc lập, tự do không những của nhân dân Cuba mà của cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Fidel là một người bạn lớn, người đồng chí thân thiết của nhân dân Việt Nam”./
Vietnam+