.

Nhật Bản: Nhiều thách thức với nhà máy điện hạt nhân

.

Trận động đất mạnh 7,4 độ Richter ngày 22-11 ngoài khơi bờ biển Fukushima (Nhật Bản) được xem là phép thử về độ kiên cố của các nhà máy điện hạt nhân và niềm tin của người dân dành cho các tổ hợp công nghiệp này.

Nhà máy điện hạt nhân Daini tại thị trấn Naraha, tỉnh Fukushima Nhật Bản.          Ảnh: Reuters
Nhà máy điện hạt nhân Daini tại thị trấn Naraha, tỉnh Fukushima Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Trận động đất mạnh lúc sáng sớm 22-11 khiến một hệ thống làm mát trong một nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima dừng hoạt động, hơn 2.500 thanh nhiên liệu có nguy cơ bị nóng chảy vì nhiệt độ quá cao. Tuy nhiên, lần này, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), cơ quan quản lý vận hành 3 nhà máy điện hạt nhân, đã nhanh chóng khắc phục hệ thống bơm làm mát tại Nhà máy điện hạt nhân Daini chỉ trong vòng 1,5 giờ.

Nhà máy điện hạt nhân Daini cách Nhà máy điện hạt nhân Daiichi khoảng 7 dặm về phía nam. Daiichi từng có 3 lò phản ứng hạt nhân bị tan chảy 5 năm trước sau cơn sóng thần khủng khiếp quét vào và làm “chết” luôn cả các máy phát điện dự phòng.

TEPCO cho biết, họ chưa hề ngắt điện ở cả Nhà máy điện hạt nhân Daini hay một nhà máy khác gần đó ở phía bắc sau trận động đất sáng 22-11. Tại cuộc họp báo sau vụ việc, ông Yuichi Okamura, quyền Tổng quản lý phân khu điện hạt nhân ở TEPCO cho biết: “Chúng tôi đã đã triển khai các biện pháp xử lý cần thiết khi giải quyết sự cố”.

Cũng theo ông Okamura, TEPCO đã được chuẩn bị để ứng phó với các đợt sóng thần lớn. Họ đã xây dựng những bức tường đê chắn biển cao tới 14 mét tại các nhà máy ở Fukushima và bao quanh các máy phát điện dự phòng bằng những kết cấu chống nước.

Dẫu vậy, những người theo quan điểm phê phán vẫn không hẳn thực sự yên tâm. Họ thở phào nói rằng, đúng là sau vụ việc ngày 22-11 đã không có thiệt hại tức thời nào xảy ra. Song, họ nghi ngờ phía TEPCO vẫn chưa hành động đủ để có thể chuẩn bị ứng phó tốt với những thảm họa có quy mô cỡ như trận động đất 5 năm trước. Trận động đất kinh hoàng xảy ra năm 2011 mạnh 8,9 độ Richter, gây ra sóng thần cao tới 40 mét tại một số khu vực. Trong khi đó, những đợt sóng thần cao nhất xảy ra ngày 22-11 chỉ khoảng 16,7 mét.

Ông Azby Brown, Giám đốc của Viện Thiết kế tương lai tại Viện Công nghệ Kanazawa nhận xét: “Có vẻ như những việc đúng đắn đã được thực hiện. Tuy nhiên, bạn sẽ chẳng bao giờ biết được mọi chuyện cho tới khi nó thực sự xảy ra”.

Dẫu thế, nếu so sánh với cách ứng phó của 5 năm trước, TEPCO lần này đã cải thiện trong cách thông tin với cộng đồng. Họ thông báo về sự số ở hệ thống bơm làm mát tại Nhà máy điện hạt nhân Daini gần như ngay sau khi động đất xảy ra vào sáng 22-11.

TEPCO cũng nhanh chóng cho biết, công ty này đã ngừng việc xử lý và thuyên chuyển phần nước nhiễm phóng xạ từ Nhà máy điện hạt nhân Daiichi. Đến tối 22-11, các công việc này mới được tái khởi động. “Những gì tôi có thể nói là cách phản ứng trong ngày hôm nay đã phù hợp và họ dường như rất tự tin”, ông Tatsujiro Suzuki, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu loại bỏ vũ khí hạt nhân tại Đại học Nagasaki nhận xét. Tuy nhiên, ông nói thêm, rất khó để có thể đánh giá độc lập về những tuyên bố của TEPCO, bởi lẽ Cơ quan quản lý hạt nhân Nhật Bản cũng lệ thuộc vào công ty này trong việc công bố thông tin.

Chuyên gia Tatsujiro Suzuki cũng cho biết không cảm thấy thuyết phục lắm trong việc cho rằng Tepco đang hoàn toàn minh bạch về các quyết định của họ, nhất là về việc dọn sạch ở Nhà máy điện hạt nhân Daiichi.

Hầu hết trong số 54 nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản vẫn đóng cửa kể từ sau thảm họa kép năm 2011. Tuy nhiên, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe vẫn muốn khởi động lại hầu hết các nhà máy đó. Phần lớn người dân Nhật phản đối việc này.

Theo nhật báo Nikkei Shimbun của Nhật Bản, các quan chức đứng đầu TEPCO là Fumio Sudo và Naomi Hirose dự kiến gặp gỡ Thống đốc tỉnh Niigata, ông Ryuichi Yoneyama, để thuyết phục ủng hộ việc tái khởi động Nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki - Kariwa tại địa phương này. Tuy nhiên, ông Kiyoshi Kurokawa, người giám sát cuộc điều tra độc lập về sự cố hạt nhân ở Fukushima cho Quốc hội Nhật Bản cho rằng, việc xây tường đê chắn biển và các bồn chứa nước nhiễm phóng xạ không giải quyết được vấn đề tận gốc tại một quốc gia vốn thường xuyên xảy ra động đất lại phải lệ thuộc vào điện hạt nhân. Thay vào đó, theo ông Kurokawa, cả chính phủ lẫn các doanh nghiệp nên đầu tư phát triển các nguồn năng lượng khác thay thế như công nghệ điện gió và điện mặt trời.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.