Quốc tế

Ông Donald Trump chọn nội các

08:25, 14/11/2016 (GMT+7)

Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump khẳng định: Các vấn đề ưu tiên của ông sẽ là “chăm sóc y tế, việc làm, kiểm soát biên giới, cải cách thuế”. Từ nay đến ngày nhậm chức (20-1-2017), ông phải chọn nội các mới, những người sẽ giúp ông thực hiện chính sách.

Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama và Tổng thống đắc cử Donald Trump (trái) ngày 10-11 tại phòng Bầu dục thu hút sự chú ý của thế giới. 	    Ảnh: AFP
Cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama và Tổng thống đắc cử Donald Trump (trái) ngày 10-11 tại phòng Bầu dục thu hút sự chú ý của thế giới. Ảnh: AFP

Hãng AFP cho biết, ngày 13-11, Tổng thống đắc cử Donald Trump gặp gỡ các cố vấn tại Tháp Trump - dinh thự của ông ở Manhattan (New York) để chuẩn bị những công việc cần thiết trước khi nhậm chức, trong lúc các cuộc biểu tình chống lại ông bước sang ngày thứ tư.

Nhiều ứng viên cho các vị trí then chốt

Phát biểu với báo giới, bà Kellyanne Conway - người quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump cho biết, Tổng thống đắc cử sắp chọn được Chánh văn phòng Nhà Trắng và Chủ tịch Ủy ban quốc gia đảng Cộng hòa Reince Priebus là một trong số ứng viên cho vị trí then chốt này.

Nhiều cái tên khác cũng được nhắc đến cho các vị trí trong nội các tương lai như: ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng tài chính, giám đốc an ninh quốc gia… Trong đó có ông Newt Gingrich (73 tuổi), cựu Chủ tịch Hạ viện; ông Rudy Giuliani (72 tuổi), cựu Thị trưởng New York; Tướng Michael Flynn (58 tuổi), cựu Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc phòng; ông Bob Corker (64 tuổi), Thượng nghị sĩ bang Tennessee; ông John Bolton (67 tuổi), cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc; ông Jeff Sessions (69 tuổi), Thượng nghị sĩ bang Alabama; ông Steve Mnuchin (53 tuổi), Chủ tịch tài chính chiến dịch tranh cử của ông Trump…

Ứng viên sáng giá chức ngoại trưởng là các ông Newt Gingrich, John Bolton và Bob Corker. Ứng viên chức bộ trưởng quốc phòng là Tướng Michael Flynn và ông Jeff Sessions. Ông Flynn từng tư vấn cho ông Trump về chính sách đối ngoại với việc bảo vệ chính sách “nước Mỹ là trên hết”. Cũng có nguồn tin cho rằng, ông Flynn sẽ làm cố vấn an ninh quốc gia.

Chiếc ghế bộ trưởng tư pháp có thể thuộc về ông Rudy Giuliani, nhưng ông này cũng có thể làm giám đốc an ninh quốc gia. Vị trí bộ trưởng tài chính dường như sẽ được trao cho ông Steve Mnuchin…  
Hiện tại, mỗi động thái của ông Trump đều thu hút sự chú ý của truyền thông trước những suy đoán về việc Tổng thống thứ 45 của Mỹ sẽ tiếp tục hay bác bỏ các chính sách của người tiền nhiệm. Ông Trump khẳng định: Các vấn đề ưu tiên sẽ là “chăm sóc y tế, việc làm, kiểm soát biên giới, cải cách thuế”.

Trong lúc đó, ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Hillary Clinton cho rằng, chính việc Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) James Comey mở lại cuộc điều tra các thư điện tử (email) cá nhân của bà là nguyên nhân khiến bà thất bại. Theo cựu Ngoại trưởng Mỹ, động thái của ông Comey đã mở đường cho chiến thắng của ông Trump. Song, dù như thế nào đi nữa, bà Clinton cũng không thể nào lật ngược được tình thế khi kết quả bầu cử đã được ấn định.

Tổng thống Obama “trấn an” thế giới

Trước sự chia rẽ của nước Mỹ với các cuộc biểu tình đang dấy lên, tuần qua, Tổng thống Barack Obama đã kêu gọi sự đoàn kết và tôn trọng thể chế. Tuần này, ông sẽ có chuyến công du nước ngoài cuối cùng trên cương vị người đứng đầu Nhà Trắng. Theo đó, AP cho rằng, ông sẽ dùng chuyến công cán đến Hy Lạp, Đức và Peru để “trấn an” các nhà lãnh đạo thế giới về kết quả bầu cử ở Mỹ và những gì diễn ra khi ông Trump tiếp quản Nhà Trắng.

Ông Ben Rhodes, Phó cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama nhấn mạnh rằng, sự tôn trọng hoàn toàn kết quả bầu cử với chiến thắng thuộc về ông Trump là nội dung chính trong chuyến công du lần này nhưng ông Obama sẽ tiếp tục các chương trình của mình cho đến khi chuyển giao quyền lực. “Ông ấy (Tổng thống Obama) muốn dùng các cuộc trao đổi này với những nhà lãnh đạo để thể hiện quan điểm về tất cả vấn đề quan trọng mà chúng ta đối mặt…”, ông Rhodes nói.

Trong lúc có những đồn đoán về mối quan hệ giữa Mỹ với châu Âu thời ông Trump, trả lời phỏng vấn báo Kathimerini của Hy Lạp, Tổng thống Obama đánh giá cao “lục địa già cỗi” này. Theo ông, “sự liên kết châu Âu là một trong những thành tựu chính trị và kinh tế lớn nhất của thời hiện đại, với lợi ích thuộc về các thành viên Liên minh châu Âu, Mỹ và toàn thế giới”. Ông cũng khẳng định: “Châu Âu là đối tác kinh tế lớn nhất của chúng tôi và chúng tôi có các lợi ích kinh tế trong một châu Âu ổn định và phát triển”.

Hãng AFP cho biết, tại Lima (Peru), Tổng thống Obama sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh kinh tế châu Á, đồng thời gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull.

VĨNH AN

.