.

Ông Donald Trump tuyên bố rút khỏi TPP: Châu Á sẽ tiếp tục mở cửa thị trường

.

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump ngày 21-11 (giờ Mỹ) về việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể đặt dấu chấm hết cho hiệp định này. Tuy nhiên, các lãnh đạo khác của vành đai Thái Bình Dương khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực mở cửa thị trường, bởi đây là điều thiết yếu đối với sự phát triển kinh tế của các nước này.

Ông Donald Trump tuyên bố sẽ ban hành sắc lệnh về việc Mỹ rút khỏi TPP.				 Ảnh: AP
Ông Donald Trump tuyên bố sẽ ban hành sắc lệnh về việc Mỹ rút khỏi TPP. Ảnh: AP

Tuyên bố của ông Trump được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vừa kết thúc hội nghị thượng đỉnh tại thủ đô Lima của Peru và kêu gọi chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Tổng thống đắc cử Donald Trump công bố một đoạn băng ghi hình phác thảo những công việc mà ông sẽ làm trong ngày làm việc đầu tiên tại Nhà Trắng. Trong đó, ông sẽ ban hành sắc lệnh hành pháp về việc Mỹ rút khỏi TPP.

Tại Lima, các nhà lãnh đạo APEC đã lên tiếng ủng hộ TPP - hiệp định được xem là một bước tiến đến việc mở rộng vùng thương mại tự do Thái Bình Dương. Một số nhà lãnh đạo cho biết, họ có thể cố gắng điều chỉnh hiệp định này để tăng tính thuyết phục đối với ông Trump, hoặc tìm cách thúc đẩy hiệp định mà không cần có Mỹ.  

Theo AP, ngày 22-11, Thủ tướng New Zealand John Key cho biết vẫn còn có những lựa chọn khác. “Mỹ không phải là một biệt đảo. Mỹ không thể chỉ ngồi đó và nói rằng mình sẽ không giao thương với phần còn lại của thế giới”. Theo ông Key, Mỹ sẽ phải nhìn nhận về vai trò mục tiêu của Washington  tại châu Á và về việc tiếp cận những thị trường đang phát triển nhanh tại khu vực này.

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cho biết, 11 thành viên khác của TPP đều muốn phê chuẩn và đưa hiệp định này vào hiệu lực. Ông Turnbull nói: “Từ khía cạnh của Úc, việc các mặt hàng xuất khẩu của Úc - bất kể là hàng hóa hay dịch vụ - được tiếp cận những thị trường lớn này hiển nhiên là mối quan tâm của chúng tôi. Điều này chắc chắn sẽ tăng thêm việc làm và sức tăng trưởng kinh tế cho Úc”.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp ông Trump kể từ khi ông đắc cử tổng thống - không lạc quan như thế. Trong chuyến thăm chính thức tại Argentina, ông Abe nói với các phóng viên: “TPP sẽ trở nên vô nghĩa khi không có Mỹ”. Ông cũng cho biết, việc thương thảo lại hiệp định sẽ “làm hỏng sự cân bằng lợi ích cơ bản”. Trước đó, ông Abe đã đầu tư nguồn vốn chính trị để vượt qua sự phản đối TPP của người dân trong nước, đặc biệt là từ các nông dân và nhóm vận động y tế.

Cũng tại Lima, Tổng thống Mỹ Barack Obama​ khẳng định TPP sẽ không kết thúc.

Theo các điều khoản của TPP, hiệp định này chỉ có thể được thi hành - theo hình thức hiện tại - khi có sự phê chuẩn của ít nhất 6 quốc gia chiếm 85% tổng GDP của 12 quốc gia thuộc TPP. Mỹ hiện chiếm 60% tổng GDP của cả nhóm và Nhật Bản chiếm dưới 20%. Vì vậy, điều kiện này sẽ không được đáp ứng nếu Mỹ không tham gia.

Việc TPP bị đình trệ có thể ảnh hưởng đến các sáng kiến thương mại khác, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Hàn Quốc tham gia. Hiện RCEP không có sự góp mặt của quốc gia nào từ châu Mỹ.

KHANG NINH

;
.
.
.
.
.