Quốc tế

Quan hệ Mỹ - châu Á để ngỏ

08:13, 17/11/2016 (GMT+7)

Ngoài việc chắc chắn sẽ chấm dứt Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đang để ngỏ. Tuy nhiên, còn quá sớm để nói rằng, chính sách “xoay trục” của Tổng thống Barack Obama sẽ chấm dứt.

Giới ngoại giao và chuyên gia phân tích cho rằng, vẫn còn quá sớm để nhận định về các chính sách dưới thời ông Donald Trump. 		              		Ảnh: Reuters
Giới ngoại giao và chuyên gia phân tích cho rằng, vẫn còn quá sớm để nhận định về các chính sách dưới thời ông Donald Trump. Ảnh: Reuters

Với các nhà lãnh đạo châu Á, một câu hỏi lớn đặt ra từ việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ là những chính sách tập trung về kinh tế và quân sự của Washington ở châu lục này có còn tiếp tục duy trì nữa hay không. Trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy ngày càng mạnh mẽ, nhiều quốc gia châu Á vẫn kỳ vọng Mỹ sẽ tiếp tục đóng vai trò như một đối trọng cần thiết để bảo đảm tính ổn định của khu vực.

Lúc này, các nhà ngoại giao cũng như các chuyên gia đang đánh giá kỹ lưỡng những tuyên bố, phát biểu của ông Trump và các cố vấn để phân tách ra, đâu là những phát biểu chỉ mang tính lôi kéo, thuyết phục quần chúng khi tranh cử; đâu là những điều mà ông Trump sẽ hành động trên thực tế.

Ông Sam Crane, giáo sư chuyên về chính trị Trung Quốc tại Đại học Williams tại Williamstown, Massachusetts (Mỹ) cho rằng: “Ra khỏi chiến dịch tranh cử, có một cảm nhận rằng ông ấy (Donald Trump)sẽ rút và không tham gia những hoạt động rối ren ở nước ngoài”.

Căn cứ vào những cái tên được cân nhắc cho các vị trí chủ chốt, giáo sư Crane cho rằng, ông Trump “sẽ có sự quả quyết giống hoặc thậm chí còn hơn cả ông Barack Obama”.

Tuần trước, hai cố vấn chiến dịch tranh cử của ông Trump là Alexander Gray và Peter Navarro đã công bố bài báo cho rằng, chính sách của ông Obama “nói thì lớn tiếng nhưng hành động lại khiêm tốn”, với việc điều tàu chiến tới Singapore và lính thủy tới cảng Darwin. Dưới thời ông Trump, theo hai nhà cố vấn, hải quân sẽ được khuếch trương lực lượng để “bảo đảm với các đồng minh rằng, nước Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện cam kết về lâu dài trong vai trò truyền thống là người bảo vệ trật tự tự do ở châu Á”. Tuy nhiên, ông Michael Pillsburry, cố vấn cho nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump, người từng làm việc dưới thời chính quyền của ông Reagan cho biết, bài báo này sau đó đã bị chính Tổng thống đắc cử Donald Trump xóa bỏ.

Sau khi đắc cử, ông Trump nhanh chóng có những cuộc trao đổi với các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc về cam kết trong các mối quan hệ an ninh giữa Mỹ và các nước này. Tuy nhiên, ngay cả như vậy, với phong cách khó đoán của ông, người ta khó có thể biết liệu ông sẽ làm gì khi chính thức nhậm chức.

Một động thái cho thấy rõ sự không yên tâm trước tình huống mới, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có kế hoạch dừng chân tại New York trong tuần này, bất kể sự bất thường của việc lãnh đạo Nhật Bản gặp với một tổng thống đắc cử chưa tuyên thệ nhậm chức, để thảo luận mọi việc trước khi dự Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Peru.

Nhìn chung, những kế hoạch toàn diện của ông Trump với châu Á vẫn chưa được “đánh giá đầy đủ” - đó là quan điểm của cựu ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa. Trong khi đó, Bộ trưởng điều phối các vấn đề hàng hải của Indonesia Luhut Panjaitan cho rằng, vẫn còn quá sớm để đánh giá về các chính sách của ông Trump. Song, ông Panjaitan nhấn mạnh: “Tôi tin Mỹ sẽ nhìn thấy lợi ích quốc gia của họ. Chúng ta hãy để ông ấy có 2 tháng sau khi nhậm chức xem ông ấy sẽ làm gì”.

Mỹ có lực lượng quân sự hiện diện đông đảo tại châu Á kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai, mặc dù trên thực tế, quốc gia này đã có mặt tại châu Á trong một khoảng thời gian còn lâu hơn thế. Họ đã cai trị Philippines trong nhiều thập kỷ, bắt đầu từ cuối thế kỷ 19. Thực tiễn này khiến người ta khó có thể ngờ vực rằng mọi thứ có thể thay đổi chóng vánh chỉ vì ông Trump đắc cử. Trong khi đó, dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đang không giấu tham vọng trở thành một cường quốc toàn cầu, tận dụng sức vươn lên trong kinh tế và quân sự để gạt Mỹ sang một bên.

Đại sứ Bilahari Kausikan của Singapore cho rằng, các nước châu Á “muốn tận dụng thế cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc để gặt hái những lợi ích với từng nước trong khi vẫn duy trì mối quan hệ với cả hai bên”. Cũng theo nhà ngoại giao này, ông Trump rất có thể sẽ cư xử theo cách giống như ông vẫn hành xử lâu nay trên thương trường. “Ông ấy sẽ hợp tác khi có lợi và cạnh tranh khi đó là quyền lợi của ông”, Đại sứ Bilahari Kausikan nói.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.