Nghiên cứu do tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) có trụ sở tại thủ đô Berlin của Đức vừa công bố cho thấy, trong số 3 người ở châu Âu và Trung Á được hỏi thì 1 người cho rằng, tham nhũng là một trong những thách thức lớn nhất tại đất nước của họ. Song, số người tương tự lo sợ bị trả thù nếu họ lên tiếng chống tham nhũng.
Hãng AP dẫn tuyên bố của TI rằng, trong phạm vi châu Âu, người Tây Ban Nha xem tham nhũng là một trong những vấn đề lớn nhất (66% số người Tây Ban Nha nhìn nhận như vậy). Song, ở Đức, chỉ 2% có quan điểm này. Người dân các nước khác như Moldova, Kosovo, Slovenia và Ukraine cũng xem tham nhũng là một trong những vấn đề lớn nhất.
Theo AP, người dân Moldova và Ukraine đứng đầu trong danh sách nhìn nhận các chính trị gia của nước họ tham nhũng, với tỷ lệ lần lượt là 76% và 64%. Trong khi đó, 86% người Ukraine đánh giá chính phủ của họ ứng phó kém trong cuộc chiến chống tham nhũng; tiếp đó là người Moldova với 84%.
TI đã tiến hành khảo sát đối với 60.000 người tại 42 nước ở châu Âu và Trung Á. Tổng cộng 30% số người được hỏi nói rằng, không nên “tố” các trường hợp tham nhũng do lo ngại những hệ lụy; 14% cho biết, quá khó để chứng minh các trường hợp tham nhũng; 12% nói rằng, không “tố” vì họ không tin một điều gì đó sẽ được thực hiện để chống tham nhũng.
Giám đốc TI Jose Ugaz nhận định: “Các chính phủ đơn giản là không nỗ lực đủ để chống tham nhũng bởi các cá nhân giữ những vị trí hàng đầu được hưởng lợi”. Theo đó, để kết thúc “mối quan hệ rối rắm” giữa sự giàu có, quyền lực và tham nhũng, các chính phủ phải yêu cầu mức độ minh bạch cao hơn.
THIÊN BÌNH