Ngày 4-11, thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu có hiệu lực, theo đó tạo áp lực cho các nước bắt đầu kế hoạch cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhằm hạn chế sự ấm nóng toàn cầu.
Hãng Reuters cho biết, thỏa thuận Paris được gần 200 quốc gia và các bên liên quan thống nhất tại hội nghị lần thứ 21 của Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) vào tháng 12 năm ngoái; đồng thời được mô tả là thỏa thuận toàn cầu phức tạp nhất kể từ sau thỏa thuận thương mại Marrakesh năm 1994.
Tính đến ngày 5-10 vừa qua, ít nhất 55 quốc gia phát ra hơn 55% lượng khí thải toàn cầu phê chuẩn thỏa thuận, mở đường cho văn bản lịch sử này có hiệu lực 30 ngày sau. Đến nay, 94/197 nước thành viên Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu đã phê chuẩn thỏa thuận.
Thỏa thuận Paris là hiệp ước đầu tiên ràng buộc tất cả các quốc gia, cả nước giàu lẫn nước nghèo, cùng cam kết hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ than, dầu và khí đốt. Bà Patricia Espinosa, Cao ủy Liên Hợp Quốc về khí hậu khẳng định: “Nhân loại sẽ nhìn lại ngày 4-11-2016, ngày mà các nước trên thế giới đóng cánh cửa thảm họa khí hậu”.
Đến trước năm 2030, lượng khí thải nhà kính hằng năm sẽ cao hơn mức cho phép (42 tỷ tấn CO2) đến 12-15 tỷ tấn. Lượng khí thải của năm 2014 là 52,7 tỷ tấn. Năm 2016 đang trở thành năm nóng kỷ lục, lượng khí CO2 trong khí quyển hiện đã vượt qua cột mốc đáng ngại của năm 2015.
Theo AFP, vòng đàm phán sắp tới của Ủy ban Khí hậu Liên Hợp Quốc sẽ bắt đầu vào ngày 7-11 tại Marrakesh, Maroc.
K.NINH