Quốc tế

Tiến trình Anh rời EU phức tạp

08:31, 04/11/2016 (GMT+7)

Tòa án Tối cao ở London ra phán quyết rằng, Quốc hội phải phê chuẩn việc Anh bắt đầu tiến trình rời Liên minh châu Âu (EU), thay vì chính phủ thực hiện công việc này. Chính phủ Anh tuyên bố sẽ kháng án.

Trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6 vừa qua, hầu hết thành viên trong Hạ viện Anh đều vận động ở lại EU.  Ảnh: AFP
Trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6 vừa qua, hầu hết thành viên trong Hạ viện Anh đều vận động ở lại EU. Ảnh: AFP

Theo phán quyết của Tòa án Tối cao ngày 3-11, chính phủ Anh phải yêu cầu Quốc hội phê chuẩn tiến trình rời EU. Reuters cho rằng, điều này làm phức tạp kế hoạch rời liên minh gồm 28 thành viên của Thủ tướng Theresa May.

Bà May khẳng định cuộc trưng cầu dân ý đã được thực hiện hồi tháng 6 vừa qua về việc Anh rời EU có nghĩa là các nghị sĩ trong Quốc hội không cần bỏ phiếu nữa. Song, các nhà vận động chiến dịch gọi cuộc bỏ phiếu là vi hiến.

Chính phủ Anh tuyên bố sẽ kháng án và Tòa án Tối cao cho thời hạn từ ngày 5-12 đến 8-12 để giải quyết vấn đề này. Hãng Reuters cho biết, trong một tuyên bố, chính phủ của Thủ tướng May bày tỏ sự thất vọng về phán quyết nói trên. “Đất nước đã bỏ phiếu chọn rời EU trong cuộc trưng cầu dân ý vốn được đạo luật Quốc hội phê chuẩn. Và chính phủ quyết tâm tôn trọng kết quả trưng cầu dân ý”, tuyên bố nêu rõ.

Về mặt lý thuyết, Quốc hội có thể ngăn chặn hoàn toàn vấn đề Brexit nhưng ít người mong đợi điều này, nhất là khi 52% người dân Anh đã lựa chọn rời EU. Giờ đây, các nhà lập pháp dường như yêu cầu thêm thông tin về tiến trình 2 năm để rời EU thì mới phê chuẩn quá trình Brexit hay không.

Phán quyết của Tòa án Tối cao khiến việc Anh rời câu lạc bộ mà nước này đã tham gia suốt 43 năm trở nên phức tạp. Theo đó, việc Anh kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon về EU vào cuối tháng 3-2017 để khởi động tiến trình đàm phán với các nước thành viên trong khối mà không cần sự phê chuẩn của Quốc hội có thể không thực hiện được. 3 thẩm phán cấp cao John Thomas, Terence Etherton và Philip Sales cho rằng, chính phủ của Thủ tướng May không có quyền kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon. Trong khi đó, 27 thành viên khác trong EU vẫn khẳng định không thể bắt đầu tiến trình đàm phán cho đến khi kích hoạt Điều 50 Hiệp ước Lisbon. Một khi Anh kích hoạt điều khoản này thì sẽ không thể thay đổi quyết định rời EU.

Theo các nhà quan sát, đối mặt với thách thức, Thủ tướng May có thể dùng “đặc quyền lịch sử” - hình thức đặc quyền điều hành để đưa ra quyết định. Nữ Thủ tướng Anh cáo buộc những ai đứng sau “thách thức pháp lý” đang muốn làm hỏng tiến trình Brexit. “Họ đang muốn giết chết tiến trình Brexit bằng cách trì hoãn”, bà May nói; đồng thời tuyên bố không để phán quyết của tòa phá hủy kế hoạch.

Xung quanh vấn đề này, hiện có hai quan điểm ở Anh. Bên cạnh quan điểm phản đối phán quyết của Tòa án Tối cao, một số khác nhận định chỉ Quốc hội mới có thể quyết định việc rời EU hay không; đồng thời kêu gọi tôn trọng phán quyết.

Tuy nhiên, ông Nigel Farage, lãnh đạo lâm thời của đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP), người dẫn đầu chiến dịch Brexit, cảnh báo công chúng sẽ phản ứng tức giận nếu không thực thi kết quả trưng cầu dân ý. “Hiện tôi lo ngại rằng, sẽ có mọi nỗ lực ngăn cản hoặc trì hoãn việc kích hoạt Điều 50. Nếu như vậy, công chúng sẽ tức giận”, ông Farage nói.

PHÚC NGUYÊN

.