Quốc tế
Tổng thống Obama kêu gọi nước Mỹ đoàn kết
Phát biểu tại Nhà Trắng sau chiến thắng của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử, Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama nhấn mạnh về việc chuyển giao quyền lực suôn sẻ; đồng thời kêu gọi sự đoàn kết, thống nhất và tôn trọng thể chế.
Những người ủng hộ ông Donald Trump trong niềm vui chiến thắng. Ảnh: AP |
Lúc 11 giờ ngày 10-11 (23 giờ, giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ Tổng thống mới đắc cử Donald Trump ngay tại phòng Bầu dục. Đây là bước đi đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo nhằm hướng đến chuyển giao quyền lực hòa bình sau khi ứng cử viên của đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Đệ nhất phu nhân Michelle Obama cũng gặp bà Melania, vợ của ông Trump, tại Nhà Trắng.
Bảo đảm chuyển giao quyền lực suôn sẻ
Hãng Reuters cho biết, ông Obama và ông Trump hầu như chưa từng có cuộc tiếp xúc trực tiếp. Ngày 9-11, sau khi có kết quả bầu cử, Tổng thống Obama nói rằng, dù giữa ông và tỷ phú bất động sản New York có sự khác biệt lớn nhưng ông sẽ theo gương của cựu Tổng thống G.W.Bush - người đã chuyển giao quyền lực cho ông hồi năm 2008 - và giờ đây sẽ bảo đảm tiến trình chuyển giao suôn sẻ cho ông Trump. “8 năm trước, Tổng thống Bush và tôi có những sự khác biệt đáng kể nhưng đội ngũ của Tổng thống Bush đã bảo đảm sự chuyển giao suôn sẻ. Vì vậy, tôi sẽ chỉ đạo đội ngũ của mình theo gương ê-kíp của Tổng thống Bush”.
Trong bài phát biểu sau chiến thắng của đảng Cộng hòa, ông Obama nhấn mạnh: “Chuyển giao quyền lực hòa bình là một trong những dấu ấn của nền dân chủ chúng ta. Và trong một vài tháng tới, chúng ta sẽ cho thế giới thấy điều này”. Lý giải về điều này, vị Tổng thống sắp mãn nhiệm nói thêm: “Trước hết, chúng ta đều là người Mỹ. Trước hết, chúng ta đều là những người yêu nước. Chúng ta đều mong muốn điều tốt đẹp nhất cho đất nước”. Trước những phản ứng khác nhau về kết quả bầu cử, ông kêu gọi những người trẻ tuổi lạc quan, loại bỏ tâm lý hoài nghi vì “nước Mỹ đang cần đoàn kết, thống nhất và tôn trọng thể chế”.
Cũng trong ngày 9-11 (giờ Mỹ), ngay sau khi giành chiến thắng, trong các cuộc gặp với nhóm cố vấn ở New York, ông Trump đề cập việc chuyển giao quyền lực. Khi bước vào Nhà Trắng, ông sẽ có được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ Cộng hòa tại cả hai viện của Quốc hội, những người sẽ giúp ông thông qua các chính sách và loại bỏ những chính sách mà ông không thích của người tiền nhiệm Obama, chẳng hạn như hệ thống bảo hiểm y tế Obamacare, thỏa thuận hạt nhân với Iran và sự tham gia của Mỹ trong thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu…
Song, theo người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest, trong cuộc gặp gỡ ở phòng Bầu dục, Tổng thống Obama đề cập về những lợi ích của những chính sách trên với người kế nhiệm.
Sau chiến thắng, ông Trump cũng khẳng định sẽ nỗ lực để hàn gắn sự chia rẽ được tạo ra trong chiến dịch tranh cử. Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton thúc giục những người ủng hộ bà đang thất vọng hãy “cởi mở” hơn với ông Trump.
Mỹ duy trì sự hiện diện quân sự ở châu Á
Sau cuộc điện đàm “ấm áp và thẳng thắn” với Tổng thống mới đắc cử của Mỹ, ngày 10-11, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cho biết, ông Donald Trump cam kết tăng cường sức mạnh quân sự Mỹ khi đối mặt với các mối đe dọa an ninh trên khắp thế giới và duy trì sự hiện diện ở châu Á.
Dưới thời Tổng thống Obama, Mỹ theo đuổi chính sách ngoại giao “xoay trục” sang châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có việc lực lượng thủy quân lục chiến đồn trú tại Úc. Có những quan ngại rằng, khi tiếp quản Nhà Trắng, ông Trump sẽ thay đổi chính sách ngoại giao. Song, Thủ tướng Turnbull khẳng định hai nhà lãnh đạo đã “thảo luận về tầm quan trọng sống còn của Mỹ trong việc tiếp tục hiện diện mạnh mẽ” ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất và đối tác thương mại lớn thứ hai của Úc.
Về phía Hàn Quốc, văn phòng Tổng thống Park Geun-hye cho hay, Tổng thống mới đắc cử của Mỹ cũng đã có cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Hàn Quốc trong 10 phút và cam kết bảo vệ đồng minh Seoul.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng nói rằng sẵn sàng rút quân đội Mỹ đang đồn trú ở Hàn Quốc về nước trừ khi Seoul chi trả một phần chi phí của việc triển khai lực lượng này. Khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đang đóng ở Hàn Quốc. Ngoài ra, Seoul và Washington cũng đã thống nhất triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) nhằm chống lại mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên. Song, Seoul khẳng định không có kế hoạch mua hệ thống THAAD.
Nhà Xanh còn cho hay, bà Park bày tỏ hy vọng ông Trump sẽ sớm thăm Hàn Quốc.
Về phía Nhật Bản, theo Reuters, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ tìm kiếm việc thiết lập mối quan hệ cá nhân tốt đẹp và thúc đẩy tầm quan trọng của liên minh an ninh song phương khi ông gặp Tổng thống mới đắc cử Donald Trump tại New York vào tuần tới. Trong cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo cũng đã khẳng định hợp tác chặt chẽ và nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Nhật - Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Khi ông Trump giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, người dân Nhật lo lắng về cam kết của Washington trong các thỏa thuận an ninh khi đối mặt với một Trung Quốc đang trỗi dậy và một CHDCND Triều Tiên với các vụ thử hạt nhân, tên lửa.
PHÚC NGUYÊN