.
Tranh cử tổng thống Pháp

Thông điệp về "sự thay đổi triệt để"

.

Ứng cử viên bảo thủ Francois Fillon nói rằng, ông sẽ là một tổng thống mang lại “sự thay đổi triệt để”. Các thăm dò cho thấy, ông Fillon sẽ tiến vào Điện Elysée sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ vòng 2 và đánh bại cả nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen trong vòng đua cuối cùng.

Ông Alain Juppe (trái) và ông Francois Fillon cạnh tranh chiếc vé để tranh cử tổng thống vào tháng 5-2017. 							    Ảnh: AFP
Ông Alain Juppe (trái) và ông Francois Fillon cạnh tranh chiếc vé để tranh cử tổng thống vào tháng 5-2017. Ảnh: AFP

Cựu Thủ tướng Francois Fillon bất ngờ giành chiến thắng trong vòng 1 bầu cử sơ bộ của phe cánh hữu và trung dung hồi tuần trước với 44,1% số phiếu, loại cả ứng viên - cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy. Nhấn mạnh dự định cải cách đất nước, vị chính trị gia 62 tuổi Francois Fillon khẳng định: “Chỉ có tôi mới có thể mang lại sự thay đổi triệt để cho nước Pháp”. Những ý tưởng của ông Fillon được so sánh với những ý tưởng của “bà đầm thép” - cố Thủ tướng Anh Margaret Thatcher.

Ông Fillon cho rằng, đối thủ 71 tuổi Alain Juppe - sẽ không tạo sự thay đổi và “thật sự không muốn thay đổi điều gì”. Song, tại cuộc tranh luận lần cuối cùng của vòng bầu cử sơ bộ lần hai, cả hai ông đều khẳng định sẽ làm hết sức để bảo vệ quyền lợi của nước Pháp, đồng thời thực hiện cải cách sâu rộng nhằm thay đổi tình trạng trì trệ hiện nay.

Chính sách kinh tế của hai ứng viên nói trên được cho là không có nhiều khác biệt. Tuy nhiên, chương trình của ông Fillon mang tính triệt để và mạnh mẽ hơn trong việc cắt giảm nợ công và trợ cấp xã hội, tinh giản biên chế của bộ máy nhà nước.

Hãng AFP cho biết, nếu đánh bại cựu Ngoại trưởng Alain Juppe trong vòng 2 bầu cử sơ bộ ngày 27-11 tới, ông Fillon sẽ rộng đường để trở thành tổng thống Pháp. Các cuộc thăm dò cho thấy, ông Fillon dường như sẽ đối mặt và đánh bại cả nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen trong vòng đua cuối cùng vào tháng 5-2017.

Theo AP, sự khác biệt lớn nhất giữa ông Fillon và ông Juppe trong cuộc cạnh tranh lần này là quan điểm về Nga. Ông Fillon muốn kết thúc các biện pháp trừng phạt chống lại Nga xung quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine, đồng thời hợp tác với Mátxcơva để chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Ông Fillon khẳng định: “Nga không tạo ra mối đe dọa đối với phương Tây”.

Trong khi đó, ông Juppe muốn duy trì quan điểm hiện tại của Pháp: tiếp tục gia tăng áp lực đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin để hòa bình với Ukraine và ngừng đánh bom vào các nhóm đối lập ở Syria.

Cũng như Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có thiện cảm với Tổng thống Putin, một số chính trị gia Pháp đang tăng cường đề cập về việc hợp tác với Nga, thay vì cô lập quốc gia này. Vốn có vai trò đáng kể trong cuộc chiến chống IS ở Syria, mối quan hệ với Nga trở thành vấn đề chính sách ngoại  giao then chốt trong chiến dịch tranh cử ở Pháp.   

Ông Fillon cho rằng, các biện pháp trừng phạt Nga xung quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine “không thay đổi được điều gì mà chỉ gây hại cho cho nông dân Pháp”. Ông Fillon và ông Putin đã ký kết các thỏa thuận thương mại song phương khi cả hai làm Thủ tướng (ông Fillon làm Thủ tướng Pháp từ năm 2007-2012 dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy, ông Putin làm Thủ tướng Nga từ năm 2008-2012 dưới thời Tổng thống Nga Dmitry Medvedev).

Còn ông Juppe muốn Nga tôn trọng thỏa thuận Minsk vốn được ký kết tại Belarus để chấm dứt cuộc xung đột ở đông Ukraine trước khi Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Giờ đây, gần đến ngày bầu cử sơ bộ vòng hai, người ta càng quan tâm ông Fillon và cho rằng, khả năng ông này giành chiến thắng rất cao. Theo giới quan sát, vị cựu Thủ tướng Fillon được cho là đại diện cho hình mẫu chính trị gia cánh hữu truyền thống, “sạch sẽ”, bảo vệ các giá trị cánh hữu như công giáo, giá trị gia đình và quan điểm kinh tế tự do. Thậm chí, ông Fillon sẽ là đối thủ “khó chịu” đối với bà Le Pen vào tháng 5-2017.

Theo thăm dò dư luận, trong cuộc bỏ phiếu ngày 27-11 tới, ông Fillon sẽ giành được 65% số phiếu, còn ông Juppe giành được 35%.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.