Quốc tế
Ukraine muốn EU chống Nga
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko thúc giục các nhà lãnh đạo châu Âu giữ quan điểm chống Nga, trong lúc lo ngại Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump khi nhậm chức có thể hàn gắn quan hệ với Mátxcơva.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (thứ hai, từ trái sang) gặp gỡ các nhà lãnh đạo hàng đầu của châu Âu tại Brussels, Bỉ. Ảnh: AP |
Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Petro Poroshenko với Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại Brussels (Bỉ) ngày 24-11 (giờ địa phương) tập trung vấn đề cải cách chính trị của Ukraine để đổi lấy việc tự do đi lại cho người dân quốc gia đông Âu này.
Hãng AFP cho biết, trong cuộc gặp gỡ Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, ông Poroshenko còn kỳ vọng thúc giục hai nhà lãnh đạo này duy trì các biện pháp trừng phạt Nga xung quanh vụ sáp nhập bán đảo Crimea và xung đột ở đông Ukraine. Song, việc ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ làm Ukraine lo ngại bởi vị tỷ phú này ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin và cả hai ông cam kết sẽ bình thường hóa quan hệ giữa hai nước sau nhiều năm căng thẳng. Vì vậy, ông Poroshenko đến Brussels lần này với nhiều thông điệp, trong đó có việc tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với EU và củng cố sự ủng hộ của khối dành cho Kiev trong việc chống lại Nga.
Phát biểu với truyền hình ở Kiev trước khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho rằng, chương trình nghị sự “phải tập trung vào tình hình ở Donbass (khu vực đông Ukraine do phiến quân chiếm giữ), sự gây hấn của Nga, việc mở rộng các biện pháp trừng phạt”. Ông Klimki cho rằng, cần buộc Nga thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk. “Để thực hiện được điều này, chúng tôi cần những người bạn châu Âu và những đại diện của Mỹ”, ông Klimki nói.
Tháng 2-2015, thỏa thuận hòa bình Minsk được ký kết nhằm kết thúc xung đột ở đông Ukraine giữa lực lượng chính phủ và phiến quân được cho là thân Nga. Song, các cuộc giao tranh cấp thấp vẫn tiếp diễn. Phương Tây cáo buộc Nga tiếp tục ủng hộ phiến quân, thúc đẩy xung đột leo thang, nhưng Điện Kremlin bác bỏ điều này.
EU có kế hoạch nhóm họp thượng đỉnh vào tháng 12 tới nhằm bàn thảo về việc gia hạn lệnh trừng phạt kinh tế 6 tháng đối với Nga, được áp đặt sau khi máy bay MH17 của hãng hàng không Malaysia bị bắn rơi ở đông Ukraine năm 2014. Tuy nhiên, Kiev lo ngại EU sẽ chịu tác động đáng kể từ Mỹ trong việc đối phó với Nga khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống vào tháng 1-2017. Trong khi đó, theo các nhà quan sát, hiện vẫn chưa rõ lập trường của ông Trump đối với xung đột ở đông Ukraine.
Phía Đức và Pháp đã mời các Ngoại trưởng Nga và Ukraine nhóm họp “Bộ Tứ” tại thành phố Minsk của Belarus vào ngày 29-11 tới nhằm khôi phục tiến trình đàm phán 4 bên để chấm dứt cuộc khủng hoảng ở đông Ukraine, vài tuần trước khi ông Trump nhậm chức.
Hãng AP cho biết, trong lúc Tổng thống Poroshenko muốn EU tiếp tục chống Nga và ủng hộ Kiev thì khối này lại muốn bảo đảm rằng Ukraine đang làm hết sức để chống tham nhũng. EU đã cam kết khoảng 3,5 tỷ euro (3,7 tỷ USD) cho Ukraine trong 2 năm qua nhưng đặt ra nhiệm vụ cho Kiev là quốc gia từng thuộc Liên Xô cũ này phải hướng đến dân chủ. Tuy nhiên, tham nhũng vẫn hoành hành, làm chậm tiến trình, biểu hiện rõ nhất là hai quan chức cấp cao của Ukraine đã từ chức hồi đầu tháng 11 này.
Cải cách then chốt của Ukraine trong thời gian gần đây buộc các quan chức phải công khai tài sản cho thấy họ có hàng triệu USD tiền mặt, những chiếc xe sang trọng, những đồng hồ Thụy Sĩ đắt tiền, trang sức kim cương và những vùng đất rộng lớn. Tiếc lộ gây sốc này đã làm EU thất vọng về Ukraine, đồng thời hủy hoại uy tín của Tổng thống Poroshenko ở trong nước.
PHÚC NGUYÊN