● Cuba tổ chức quốc tang 9 ngày
● Việt Nam gửi điện chia buồn đến Cuba
● Thế giới tiếc thương nhân vật kiệt xuất của thế kỷ XX
Lãnh tụ cách mạng Fidel Castro từ trần vào đêm 25-11 (giờ La Habana, tức trưa 26-11 - giờ Hà Nội) ở tuổi 90, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với nhân dân Cuba cũng như phong trào cánh tả trên toàn thế giới. Ông là nhà cách mạng vĩ đại, một trong những người kiệt xuất nhất của thế kỷ XX.
Cuba tuyên bố tổ chức quốc tang 9 ngày. Theo đó, từ ngày 26-11 đến 4-12, các hoạt động công cộng và chương trình giải trí sẽ tạm ngừng, quốc kỳ sẽ bay rũ trên nóc các tòa nhà công cộng và quân sự. Lễ an táng ông sẽ được tổ chức vào ngày 4-12 ở thành phố lịch sử Santiago de Cuba.
Chiều 15-11-2016, tại thủ đô La Habana, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến thăm lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro. Ảnh: EPA/TTXVN |
Con người huyền thoại
Fidel Castro sinh ngày 13-8-1926 trong một gia đình giàu có tại thị trấn nhỏ Biran, nhưng chàng thanh niên này quyết định đi theo con đường vô sản để tìm lại công bằng cho nhân dân lao động.
Tên tuổi của Fidel Castro gắn liền với vận mệnh quốc gia và cuộc sống của toàn thể nhân dân Cuba kể từ khi ông khởi binh tấn công pháo đài Moncada ngày 26-7-1953 chống lại chính quyền quân sự do Batista đứng đầu. Tuy sau trận đánh này, Fidel và nhiều nghĩa quân bị chính quyền độc tài Batista bắt giữ, đưa ra xét xử, nhưng Fidel đã tự bào chữa hùng hồn bằng bài biện hộ làm chấn động chính quyền phản động mang tên: “Lịch sử sẽ phán quyết tôi vô tội”.
Trận tiến công trại lính Moncada tuy thất bại nhưng là cuộc đấu tranh vũ trang đầu tiên của cách mạng Cuba và làm Fidel nhận thức một chân lý đúng đắn sau này được chứng minh: “Kẻ thù sợ nhất nhân dân khi họ cầm vũ khí đấu tranh; đấu tranh vũ trang phải đi đầu”.
Ngày 1-1-1959, tên độc tài Batista cuối cùng tháo chạy ra nước ngoài, quân khởi nghĩa do Fidel lãnh đạo tiến vào thủ đô, chính quyền lâm thời được thành lập. Sự kiện này mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân dân Cuba, kỷ nguyên làm chủ vận mệnh của chính mình.
Ngay sau cách mạng Cuba thành công, các thế lực thù địch tiến hành nhiều âm mưu, thủ đoạn hòng bóp chết cuộc cách mạng non trẻ. Tuy nhiên, không hề nao núng, Fidel tích cực triển khai những hoạt động ngoại giao cấp cao, trở thành một trong những nguyên thủ quốc gia được chú ý nhất trên vũ đài chính trị quốc tế nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Cuba và phản đối chính sách cấm vận của Mỹ.
Ngày 18-2-2008, sau 49 năm lãnh đạo Cuba, Chủ tịch Fidel Castro chính thức tuyên bố nghỉ hưu, không giữ chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang cách mạng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cuba do Chủ tịch Fidel Castro đứng đầu, hơn 50 năm qua, đất nước Cuba đã có những thay đổi sâu sắc chưa từng có. Hiện nay, Cuba có hệ thống y tế đứng hàng đầu thế giới. Tỷ lệ người dân Cuba biết đọc, biết viết đạt 98%. 100% trẻ em được đến trường và giáo dục hoàn toàn miễn phí.
Sau thành công của Đại hội Đảng Cộng sản Cuba lần thứ VI (năm 2011), với hơn 300 cải cách được đưa ra, đất nước Cuba đang có những biến chuyển đáng kể. Năm 2013, tỷ lệ tăng trưởng GDP của Cuba là 2,7%, năm 2014 là 2,2% và năm 2015 là 4%. Xuất khẩu dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ y tế là ngành kinh tế lớn nhất, mang về cho Cuba khoảng 6-8 tỷ USD/năm...
Đặc biệt, sau hơn nửa thế kỷ cấm vận phi lý, cuối cùng, chính quyền Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận và tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Cuba vào ngày 20-7-2015. Đây là một sự kiện tích cực trong lịch sử quan hệ Mỹ - Cuba.
Hàng trăm thanh niên Cuba đã tuần hành tưởng niệm tại Trường đại học La Habana, bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn sự ra đi của Lãnh tụ Cách mạng kiệt xuất Fidel Castro. Ảnh: EPA/ TTXVN |
Vượt qua hơn 600 âm mưu ám sát của CIA
Trao đổi với CNN, Fabian Escalante, người chịu trách nhiệm bảo vệ lãnh tụ Fidel cho biết, đã có tổng cộng 638 âm mưu ám sát do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) lên kế hoạch nhằm vào ông. Một trong những âm mưu ám hại đầu tiên nhằm vào Fidel là việc lén thả hóa chất vào giày khiến ông rụng hết râu. Âm mưu này được thực hiện khi Fidel đến New York để phát biểu trước Liên Hợp Quốc năm 1960.
Song, thấy khó có thể thành công với màn thả chất độc nói trên, CIA triển khai một kế hoạch khác: giăng bẫy để Fidel hút xì gà tẩm ma túy hướng thần, khiến ông dễ dàng bật cười một cách vô duyên và phi lý khi đang phỏng vấn trên truyền hình, nhằm hạ uy tín của ông.
Từ năm 1960-1965, CIA cân nhắc ít nhất 8 kế hoạch giết Fidel. Ngày 25-7-1962, một tài liệu đóng dấu tuyệt mật được chuẩn bị để đệ trình lên Nhà Trắng, bên trong có chứa nội dung về chiến dịch Mongoose với mục tiêu lật đổ ông Fidel. Chiến dịch này bao gồm “hoạt động thu thập tin tức tình báo tại khu vực mục tiêu (Cuba,) triển khai các hoạt động kinh tế, chính trị, bên cạnh các hoạt động mật khác nhằm gây bạo loạn ở Cuba hoặc tạo cơ sở để Mỹ có thể can thiệp vũ trang”.
Năm 1961, 6 viên thuốc độc đã được CIA nhờ mafia chuyển cho Juan Orta, một quan chức Cuba có điều kiện tiếp cận với ông Fidel và đang gặp khó khăn tài chính. Nhưng sau đó, Orta đã không dám thực hiện vụ ám sát.
Thêm nhiều viên thuốc độc khác tiếp tục được CIA gửi tới Cuba thông qua kênh mafia. Năm 1963, thuốc độc đã lọt vào khách sạn Havana Libre, nơi chịu trách nhiệm pha chế món chocolate sữa cho ông Fidel.
Giai đoạn về sau này, có hàng trăm âm mưu ám sát khác của CIA nhằm vào Fidel, trong đó có xì gà cài thuốc nổ, hay bôi vi khuẩn độc lên một bộ quần áo bơi được tặng cho Fidel.
Dĩ nhiên tất cả các âm mưu ám sát đều không thành công. Lãnh tụ Fidel vẫn tiếp tục dẫn dắt cách mạng Cuba đi hết từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, nêu cao ngọn cờ độc lập dân tộc, trở thành hình mẫu ở tây bán cầu.
Người bạn lớn của nhân dân Việt Nam
Từ hàng chục năm qua, trong trái tim mỗi người Việt Nam, Cuba và lãnh tụ Fidel Castro đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quật khởi và khát vọng vươn tới tự do, hạnh phúc. Nhân dân Việt Nam luôn dành cho nhân dân Cuba, cho lãnh tụ Fidel Castro niềm tin yêu, khâm phục và đồng cảm sâu sắc.
Trong lịch sử, Cuba là nước đầu tiên công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (tháng 12-1961), là nước đầu tiên thành lập Ủy ban đoàn kết với Việt Nam (tháng 9-1963), là nước đầu tiên và duy nhất lập Sứ quán bên cạnh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại vùng giải phóng (tháng 7-1967).
Những năm đó, Cuba khó khăn, đời sống nhân dân gặp nhiều thiếu thốn, có kẻ ác ý tung tin dân Cuba thiếu đường, thiếu sữa vì có bao nhiêu thì Fidel gửi cả cho Việt Nam. Trong cuộc mít-tinh quần chúng với hàng chục vạn người tham gia tại thủ đô La Habana, Fidel Castro nói: “Đáng tiếc là chúng ta - những người Cuba - không có đủ đường sữa để gửi cho nhân dân Việt Nam, chứ nếu có, không những đường sữa mà cả máu chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng cho nhân dân Việt Nam”.
Năm 1967 được Cuba đặt tên là “Năm Việt Nam Anh hùng”. Năm 1972, đê điều ở miền Bắc Việt Nam trở thành mục tiêu phá hoại của đế quốc Mỹ, Cuba lấy ngày 28-8-1972 làm “Ngày đê điều” và phát động chiến dịch tuyên truyền mới tố cáo tội ác đế quốc. Fidel một lần nữa khẳng định: “Tình đoàn kết của chúng ta, niềm tin của chúng ta đối với nhân dân Việt Nam và ban lãnh đạo Việt Nam là vô điều kiện và tuyệt đối”.
Tháng 9-1973, Fidel là vị nguyên thủ nước ngoài đầu tiên và duy nhất thăm vùng giải phóng miền Nam khi chiến tranh chưa kết thúc, đem đến cho chiến sĩ và nhân dân Việt Nam lời động viên chiến đấu và lời hứa đóng góp thực hiện mong ước của Bác Hồ xây dựng Việt Nam 10 lần to đẹp hơn. Hình ảnh vị Tổng Tư lệnh với bộ quân phục màu xanh ô-liu đứng trên nóc một lô cốt cũ của địch, phất cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng là sự cổ vũ vô cùng to lớn đối với đồng bào chiến sĩ ta lúc đó. “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình” cũng là câu nói chí tình, chí nghĩa của Fidel trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên này. Trong những năm tháng khó khăn nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, câu nói ấy đã làm rung động bao trái tim của nhân dân Cuba và nhân dân Việt Nam cũng như hàng triệu người trên thế giới.
Cũng trong chuyến thăm lần đầu tiên của Fidel đến Việt Nam, Cuba đã tặng Việt Nam 5 công trình kinh tế-xã hội vào loại tầm cỡ lúc bấy giờ với tổng trị giá khoảng 80 triệu USD, gồm: Khách sạn Thắng Lợi (tại Hồ Tây, Hà Nội), Bệnh viện Việt Nam - Cuba (tại Đồng Hới, Quảng Bình), đường Xuân Mai, Trại bò giống Ba Vì, Xí nghiệp gà Lương Mỹ; tặng bò giống, gà giống và chi hơn 6 triệu USD để mua thiết bị hiện đại, đồng thời cử chuyên gia về cầu đường sang Việt Nam tham gia cùng bộ đội Trường Sơn mở rộng đường mòn Hồ Chí Minh; giúp đào tạo trên 1.000 sinh viên Việt Nam ở trình độ đại học, cao học và vận động ủng hộ Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc…
Tháng 12-1995 và tháng 2-2003, Fidel Castro có hai chuyến thăm Việt Nam, tình hữu nghị và sự hợp tác anh em giữa hai nước tiếp tục đạt được nhiều mốc son mới. Phát huy những tình cảm quý báu giữa Đảng và nhân dân hai nước, trong hơn nửa thế kỷ qua, bất chấp những biến động của tình hình chính trị thế giới, tình đoàn kết chiến đấu và tình hữu nghị thắm thiết Việt Nam - Cuba vẫn không ngừng được củng cố, trở thành mẫu mực của tình cảm thủy chung, trong sáng, là tài sản vô giá mà hai Ðảng và nhân dân hai nước luôn giữ gìn, vun đắp.
"Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình" Lãnh tụ Fidel Castro phát biểu vào ngày 8-9-1973 khi đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam ở Quảng Trị. |
B.T tổng hợp